Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (12/10), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to.
Lượng mưa tính từ 19h ngày 11/10 đến 8h ngày 12/10 có nơi trên 100mm như: Phong Xuân (Thừa Thiên Huế) 170.4mm, Hội An (Quảng Nam) 108.6mm…
Miền Trung nguy cơ hứng một đợt lũ do có mưa lớn dài ngày. Ảnh minh họa
Dự báo, từ hôm nay (12/10) đến đêm 13/10, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Tổng lượng mưa phổ biến ở khu vực Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi 50-100mm, có nơi trên 180mm; từ Nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế 200-350mm, có nơi trên 450mm; Đà Nẵng và Quảng Nam 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Đợt mưa này được dự báo sẽ còn kéo dài đến khoảng ngày 15-16/10 ở các khu vực trên.
Từ hôm nay (ngày 12/10) đến 16/10, trên các sông ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 4-8m, hạ lưu từ 1-4m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi lên mức báo động (BĐ) 1-BĐ2 và trên BĐ2; trên các sông suối nhỏ có khả năng lên mức BĐ3; hạ lưu sông Cả, sông La dao động ở mức BĐ1.
Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi.
Ngoài ra, ở khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận; Tây Nguyên và Nam Bộ hôm nay có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 60mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Các tỉnh vùng núi Bắc Bộ hôm nay ít mưa, ngày nắng; riêng các tỉnh đồng bằng và ven biển từ chiều có mưa rào và dông, có nơi mưa vừa đến mưa to.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã ra công điện yêu cầu các địa phương từ Nghệ An đến Quảng Nam triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Sẵn sàng các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; thu hoạch sớm sản phẩm đến kỳ thu hoạch, đặc biệt là đối với nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt và khu vực ven biển; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.