Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố báo cáo cập nhật với nhiều đánh giá tích cực về Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB – Mã: VIB).
Theo MBS, VIB kết thúc 9 tháng đầu năm với tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 13.371 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và tỷ lệ CIR giảm giúp lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 46,4% so với cùng kỳ, lên 7.814 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, tỷ lệ ROA và ROE của VIB trong 9 tháng đầu năm đạt lần lượt 2,4% và 30,4%, dẫn đầu về ROE toàn ngành ngân hàng.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, mảng cho vay mua nhà và cho vay mua xe vẫn tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của VIB trong những năm tiếp theo. Trong năm 2022, MBS kỳ vọng mảng cho vay bán lẻ của VIB sẽ đạt mức tăng trưởng 15% và tăng lên mức 20% trong năm 2023 với kỳ vọng lạm phát được kiểm soát. Ngoài ra, mảng kinh doanh thẻ cũng đóng góp đáng kể vào danh mục cho vay bán lẻ của ngân hàng này
Trong bối cảnh room tín dụng không còn quá “nới lỏng”, MBS nhận định các hoạt động ngoài lãi sẽ là mũi nhọn giúp VIB tiếp tục duy trì tỷ lệ ROE ấn tượng của mình. Bên cạnh các hoạt động kể trên, xử lý nợ cũng là một trong những hoạt động cần đẩy mạnh vừa đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân hàng từ các khoản lãi dự thu vừa có thể giúp ngân hàng cải thiện chất lượng tài sản.
Ngoài việc nâng cao ROE, việc tập trung vào các hoạt động như xử lý nợ hay chuyển đổi số cũng giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ CIR, chỉ số hiện đang khá cạnh tranh trong toàn ngành.
Mặt khác, MBS cũng dự báo tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của VIB vẫn sẽ ở mức cao dù lãi suất huy động tăng mạnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng có phần chậm lại so với cùng kỳ do bị hạn chế bởi room tín dụng hiện tại nhưng NIM hợp nhất của VIB vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ và cả năm 2021, nhờ lãi suất cho vay tăng mạnh hơn chi phí vốn. Nhóm phân tích kỳ vọng NIM của VIB trong năm 2022 sẽ đạt khoảng 4,8% và giảm nhẹ trong năm 2023 về mức 4,7% khi lãi suất huy động cao bắt đầu phản ánh vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng.
Với các nhận định trên, MBS khuyến nghị giá mục tiêu cho cổ phiếu VIB là 27.700 đồng/cp.
Mới đây, VIB đã công bố kết quả kinh doanh 10 tháng với lợi nhuận trước thuế 8.715 tỷ, tăng 44% so với năm 2021 và đạt 109% lợi nhuận của cả năm 2021, với hệ số ROE (lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu) đạt 30% liên tiếp trong 3 năm. Lãnh đạo VIB dự báo lợi nhuận trước thuế của cả năm 2022 nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao là 10.500 tỷ, tương đương với 8.400 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Với dự báo lợi nhuận này, sau khi kết thúc năm tài chính 2022 lãnh đạo ngân hàng cho biết VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, nghĩa là mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VIB có thể nhận được 3.500 VNĐ cổ tức. Con số 35% này có thể cao hơn nhiều nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022.
VIB cũng chuẩn bị lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài. Lãnh đạo ngân hàng cho biết tỷ lệ này có thể được điều chỉnh tăng lên đến 30% trong trường hợp được sự thông qua của Đại hội đồng cổ đông.
Việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% lên tới 30% là cơ hội cho VIB, nhà đầu tư nước ngoài và cổ đông VIB hiện nay. Quyết định này sẽ giúp ngân hàng VIB có cơ hội tìm kiếm thêm sự hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm và triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quản trị, mô hình kinh doanh từ các định chế tài chính và quỹ đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới, đẩy mạnh hơn nữa vị thế của VIB là ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp thuộc top đầu thị trường Việt Nam về cả chất lượng và quy mô.
Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, thông tin nới room ngoại lên 30% đã được khối ngoại mong chờ gần một thập kỷ nay, khi nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đặc biệt quan tâm về lĩnh vực tài chính, bán lẻ ở một đất nước có hơn 100 triệu dân và mức độ tăng trưởng GDP thuộc top đầu khu vực Châu Á, và mong muốn cùng tham gia trong hợp tác dài hạn với VIB.
Thông tin này cũng mang lại cho các cổ đông VIB nhiều kỳ vọng lớn, khi VIB vốn được biết tới là một thể chế tài chính khá "thận trọng và nghiêm khắc" trong việc lựa chọn các đối tác chiến lược, đặc biệt là những nhà đầu tư ngoại chuyên nghiệp và mang được giá trị to lớn cho sự phát triển của ngân hàng trong tương lai.