Quỹ đạo phục hồi của nền kinh tế đang dần hình thành
Theo MSVN, bên cạnh khủng hoảng bất động sản, nhu cầu quốc tế suy yếu là trở ngại đáng chú ý đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Với giá trị thương mại quốc tế tương đương khoảng 190% GDP, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Do xuất khẩu sụt giảm (giảm 12,1% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm), các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong nước đã buộc phải cắt giảm nhân công.
Cùng với hiệu ứng tài sản giảm do sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu và bất động sản, thiếu việc làm đã ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng trong nước. Doanh số bán xe trong nước đã giảm trở lại bằng với mức ở giai đoạn phong tỏa do dịch COVID-19.
Chính sách thắt chặt tiền tệ hiện tại của nhiều ngân hàng trung ương như Fed, BoE, ECB,... để chống lạm phát tăng cao đang gây tổn hại cho nền kinh tế của họ, qua đó tác động đến các nước xuất khẩu như Việt Nam.
Đối với Mỹ, quốc gia tiêu thụ 30% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022, mô hình dự báo của Fed New York cho thấy xác suất suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới lên đến 68%. Tiết kiệm hộ gia đình đang cạn dần và niềm tin của người tiêu dùng đang giảm sút, điều này do đó làm giảm chi tiêu.
Trong khi đó, Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, vẫn chưa cho thấy nhu cầu bị dồn nén được giải phóng sau lệnh gỡ phong tỏa như Việt Nam năm ngoái. Trong khi những bất ổn về bất động sản trong nước đang đè nặng lên người tiêu dùng, thì sự phục hồi chính là nhờ dịch vụ thay vì hàng hóa, làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo khảo sát của Bloomberg, nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại vào quý I/2024 và nền kinh tế EU bắt đầu phục hồi kể từ quý III/2023 và Trung Quốc sẽ phục hồi từ quý I/2024.
Do đó, các chuyên gia cho rằng hoạt động thương mại sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong quý III nhưng sẽ bắt đầu khởi sắc vào quý IV, nhờ mức so sánh thấp trong cùng kỳ năm trước, trước khi tăng tốc vào năm 2024 do sự phục hồi của các nền kinh tế toàn cầu.
Về dài hạn, những lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm chi phí nhân công thấp, chính trị ổn định, chi phí năng lượng thấp không thay đổi và Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Khác với cuối năm 2022, giờ đây quỹ đạo phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang dần hình thành sau nửa đầu năm 2023. MSVN dự báo tăng trưởng GDP sẽ tăng dần trong nửa cuối năm, trước khi tăng tốc vào 2024.
Tăng trưởng lợi nhuận phục hồi trong quý IV thúc đẩy sự phục hồi của thị trường chứng khoán
Trước những bất ổn kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi động một năm thận trọng. VN-Index chuyển động chậm trong biên độ 1.020-1.080 điểm trong quý I và chỉ vượt lên khỏi biên độ này khi Ngân hàng Nhà nước chuyển sang chính sách nới lỏng và chính phủ đôn đốc tìm giải pháp cho thị trường bất động sản trong nước trong quý II.
Mặc dù lợi nhuận quý I vẫn gây thất vọng, lãi suất giảm đã thu hút các nhà đầu tư quay trở lại thị trường chứng khoán. Giá trị giao dịch hàng ngày tăng 60% lên 17.000 tỷ đồng vào tháng 6 so với 10.000 tỷ đồng vào tháng 1 giúp P/E của VN-Index tăng lên 13,5 lần vào cuối tháng 6 so với mức 11 lần vào cuối năm 2022.
Như đã đề cập, MSVN không loại trừ khả năng cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản khác trong quý III, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ tâm lý thị trường, giúp phục hồi thanh khoản và giá.
Nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận của các công ty sẽ tăng đáng kể hơn trong nửa cuối năm 2023, đặc biệt trong quý IV, một phần do cơ sở so sánh thấp của năm ngoái và điều này sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thị trường trong thời gian còn lại của 2023.
Mặc dù đã hạ dự báo tăng trưởng EPS thị trường năm 2023 từ 7,3% trước đó xuống 4,6% để phản ánh nhiều hơn sự phục hồi kinh tế theo hình chữ U, MSVN vẫn duy trì mục tiêu P/E cho VN-Index ở mức 13,8 lần. Do đó, giá mục tiêu cho chỉ số vào năm 2023 đã giảm 7% xuống còn 1.300 điểm, tương ứng với mức tăng 16% so với mức hiện tại (cuối tháng 6) là 1.120 điểm.
Xét theo ngành, dù kết quả kinh doanh quý I không như kỳ vọng, hầu hết các ngành theo chu kỳ bao gồm ngân hàng, môi giới, bất động sản nhà ở, thép, hàng hải và logistics đều vượt trội so với thị trường chung trong nửa đầu năm nhờ các chính sách hỗ trợ.
Theo định giá của MSVN, nhiều ngành vẫn hấp dẫn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư dài hạn. Trong ngắn hạn, cổ phiếu các ngành này có thể có biến động do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư cá nhân dựa trên phân tích kỹ thuật và những nghi ngờ chung về triển vọng phục hồi kinh tế và lợi nhuận. Tuy nhiên, kỳ vọng rủi ro giảm giá là hạn chế (dưới 7%). Thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục có xu hướng tăng cao hơn vào cuối năm, nhờ thanh khoản vẫn mạnh và triển vọng tăng trưởng rõ ràng hơn.
Trong bối cảnh nền kinh tế hiện đang chuyển từ giai đoạn tăng trưởng chậm lại sang giai đoạn phục hồi ban đầu, các ngành mang tính chu kỳ như ngân hàng, môi giới, bất động sản nhà ở, thép và logistics sẽ tiếp tục vượt trội.