Bộ Tài Chính vừa công bố kết quả thanh tra của 4 doanh nghiệp bảo hiểm Prudential, MB Ageas Life, BIDV Metlife và Sun Life. Theo đó, qua thanh tra chọn mẫu phát hiện nhiều trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm trong năm 2021.
Hoạt động kinh doanh của 4 doanh nghiệp bảo hiểm này cũng phân hoá trong năm 2022 với nhiều biến động từ thị trường bảo hiểm nói chung.Prudential và BIDV Metlife ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh thì MB Ageas Life và Sunlife lại có kết quả kinh doanh ảm đạm do các khoản chi phí tăng cao.
Mảng màu sáng tối trong bức tranh kinh doanh
Báo cáo tài chính năm 2022 của Prudential cho thấy tổng doanh thu của công ty trong năm đạt 34.610 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm đạt 30.557 tỷ đồng, tăng 8%. Doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 4.025 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số năm 2021 là 10.853 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Prudential giảm gần 34% so với cùng kỳ 2021 xuống còn 20.474 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.637 tỷ đồng, tăng 670% so với năm trước đó - dẫn đầu nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
BIDV Metlife ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 tăng gấp đôi so cùng kỳ, đạt 85,2 tỷ đồng. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty đạt 1.720 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2021.
Doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận tăng 23% trong năm 2022, đạt hơn 238 tỷ đồng chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và lãi từ đầu tư trái phiếu. Tính đến cuối năm 2022, BIDV Metlife có hơn 12 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn (tăng 214% so với cùng kỳ), 1.705 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ngắn và 1.424 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dài.
Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư hơn 843 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và hơn 320 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
Ở chiều ngược lại, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của MB Ageas ghi nhận giảm 71% so với năm trước đó, chỉ đạt 64 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty đạt 6.395 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2021 song nhiều khoản chi phí lại tăng mạnh. Cụ thể, chi phí hoạt động tài chính tăng gần 103%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30% và chi phí khác tăng 11% so với cùng kỳ.
Với Sunlife, doanh nghiệp này tiếp tục lỗ sau thuế 1.469 tỷ đồng trong năm 2022. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Sunlife ghi nhận lỗ. Khoản lỗ luỹ kế đã lên đến gần 4.575 tỷ đồng.
Trong năm, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty đạt 5.173 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Song tương tự như MB Ageas, một số khoản chi phí tăng mạnh khiến Sunlife vẫn chưa thể có lãi.
Theo đó, tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm của công tăng 38% so với cùng kỳ, lên 1.553 tỷ đồng. Chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng từ 837 tỷ đồng lên 1.208 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng gần 31% lên 3.453 tỷ đồng.
Các khoản khác như chi phí hoạt động tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, Sunlife mạnh tay tăng chi khen thưởng hỗ trợ đại lý trong năm 2022, từ 2.181 tỷ đồng lên 2.900 tỷ đồng, tương đương tăng gần 33%
Chi phí đào tạo ban đầu và thi cấp chứng chỉ đại lý cũng tăng gần 91% từ 11 tỷ đồng lên hơn 21 tỷ đồng. Lương và các chi phí khác cho nhân viên cũng tăng khá mạnh trong năm.
Sau khi được chỉ ra các sai phạm trong hoạt động, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã nhanh chóng khắc phục các vấn đề được Bộ Tài Chính đề cập trong kết luận thanh tra. Đồng thời, họ cũng cho biết sẽ rà soát hoạt động, quản lý chặt hơn trong việc bán bảo hiểm của các đại lý.
Niềm tin trên thị trường bảo hiểm xuống thấp
Theo báo cáo về Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2023 của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), niềm tin của thị trường đã ở mức thấp nhất trong 30 năm.Tình trạng tư vấn viên tư vấn không đúng, cố tình tư vấn mập mờ cho khách hàng đã diễn ra trong thời gian dài, khiến khách hàng gặp không ít khó khăn và mất niềm tin vào bảo hiểm.
Theo thống kê từ Hiệp hội Bảo Hiểm Việt Nam, trong năm 2022 qua kiểm tra, hiệp hội đã phát hiện khoảng 3.100 trường hợp đại lý sai phạm, với 14 nhóm hành vi, trong đó có lỗi tuyên truyền quảng cáo sai về sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm.
Các tư vấn viên thường chỉ tư vấn "lấp lửng", chỉ nhắc đến cái lợi trước mắt mà ít khi tư vấn cái chưa được, rủi ro và các điều khoản loại trừ cho khách hàng khi tham gia sản phẩm. Đối với các dòng sản phẩm đầu tư như sản phẩm liên kết đơn vị, đa phần tư vấn viên tư vấn đây là dòng sản phẩm có lãi suất cao hơn ngân hàng.
Kết quả thanh tra mới đây của Bộ Tài chính cho thấy tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancas) chiếm tới 50% số lượng hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ mới. Tuy nhiên, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm lại ở mức thấp, tỷ lệ huỷ hợp đồng có nơi lên tới hơn 70%.
Với quy mô doanh số bảo hiểm qua kênh bancas ở mức cao, giá trị hợp đồng bảo hiểm bị huỷ bỏ ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền khách hàng mất đi khi dừng hợp đồng ngay trong năm đầu.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ theo yêu cầu của Quốc hội tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, từ nay đến hết năm, Bộ Tài chính sẽ thanh, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó thanh, kiểm tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.