Báo cáo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ GTVT vào chiều 10/7, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết 6 tháng đầu năm, thị trường hàng không nội địa cơ bản phục hồi tốt, vượt 8% so với trước dịch năm 2019.
Tuy nhiên, thị trường quốc tế mới chỉ phục hồi khoảng 60% so với trước dịch, thậm chí một thị trường lớn như Trung Quốc thì lượng khách đến Việt Nam mới chỉ phục hồi 9%.
Riêng Vietnam Airlines dù cơ bản đã phục hồi cả mảng đường bay nội địa và quốc tế, song theo lãnh đạo hãng, 6 tháng cuối năm còn rất nhiều khó khăn.
Trong đó, mâu thuẫn địa chính trị giữa Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu xăng dầu tăng nhanh, có lúc tăng gấp đôi trước dịch, trong khi nhiên liệu chiếm 60% chi phí hàng không.
Lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục phát huy vai trò điều tiết vĩ mô với hàng không qua việc điều tiết tải cung ứng, tránh quá tải sân bay. Đồng thời, sớm có chính sách điều tiết giá trần.
Các hãng hàng không lo ngại về tình trạng tắc nghẽn tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất
“Chi phí vận hành rất cao, nhưng giá vé máy bay như vé hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây. Các hãng hàng không rất khó khăn. Theo tôi được biết, một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản”, ông Hòa thông tin.
Với vấn đề tắc nghẽn tải hàng không, theo lãnh đạo Vietnam Airlines, hiện nay, thời gian phải bay chờ rất dài gây tốn kém rất lớn. Đơn cử như các chuyến bay tới TP.HCM khi hạ cánh phải bay chờ 30 phút, tại Nội Bài cũng phải bay chờ 20 phút.
“Đề nghị có các chính sách hỗ trợ ngành hàng không đến hết năm 2024 là thời điểm phục hồi của ngành”, ông Hòa nói, và đề xuất cần có chính sách cấp slot đường bay quốc tế “có đi có lại” giữa các quốc gia. Lý do là, nhiều nước hiện tại cấp slot cho các hãng nước ngoài rất hạn chế, đơn cử như Vietnam Airlines trong dịch Covid-19 đã dừng bay đến London (Anh), tới nay đã mất hết slot sân bay tại đây.
Thống nhất quan điểm đàm phán “có đi có lại” trong việc cấp các slot bay quốc tế, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với Vietnam Airlines nghiên cứu, tính toán.
"Hãng hàng không Việt Nam khó khăn xin slot đường bay quốc tế, chúng ta cũng phải có quan điểm có đi có lại trong đàm phán. Vừa rồi tôi sang làm việc với bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc, họ đề nghị các slot trước đây các sân bay của ta cấp cho hãng Trung Quốc phải cấp lại cho họ.
Tôi đề nghị các slot đã cấp cho các hãng Việt Nam cũng được giữ lại. Họ vui vẻ, đồng tình" - ông Thắng cho biết và đề nghị Vietnam Airlines phối hợp các đơn vị liên quan để trao đổi lại với phía Trung Quốc cấp lại slot như thỏa thuận của hai Bộ trưởng. Nếu cần thiết thì Bộ sẽ đàm phán.