Chiều 10-7, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị giao ban báo chí. Buổi họp nhận được nhiều sự quan tâm về việc điều tra vụ sạt lở tại khu đất 15/2 Yên Thế xuống hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt) khiến 2 người tử vong, nhiều ngôi nhà hư hỏng.
Lực lượng chức năng đang giảm tải áp lực khu đất xây taluy tại hẻm 25/2 Yên Thế.
Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, khẳng định quan điểm xử lý vụ việc của thành phố và lãnh đạo tỉnh là không bao che, sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Hiện thành phố đã cơ bản xử lý, khắc phục sự cố, giải quyết tình trạng sạt lở tại khu vực. Một số hộ dân đường Yên Thế, Hoàng Hoa Thám trước đó phải di dời đảm bảo an toàn nay đã quay trở về nhà.
"Công an tỉnh đang làm việc với các cá nhân, tổ chức có liên quan, nếu phát hiện có vi phạm sẽ tiếp tục xử lý, khởi tố và công khai thông tin" - ông Tú nói.
Còn ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, lưu ý vừa qua Sở Xây dựng chỉ mới có nhận định sơ bộ nguyên nhân sự cố chứ chưa kết luận chính thức sự cố này.
Theo ông Trung, đây là sự cố cấp 2. Đoạn kè này được xây dựng để vừa làm taluy, vừa đổ đất để nâng cốt nền. Trong lúc thi công thiếu che chắn, gặp mưa thời điểm đó lớn nên bờ taluy không chịu được áp lực, gây sạt lở. Sau khi xảy ra, cơ quan chức năng lập tức triển khai giảm tải lên bờ taluy bằng cách lấy đất ra, đoạn taluy nào yếu thì được tháo dỡ ngay.
UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm điều tra, xác định nguyên nhân sự cố. Theo chỉ đạo của tỉnh thì tới 20-7, nhưng theo quy trình điều tra sự cố thì cần phải 2 tháng.
Giám đốc Sở Xây dựng nói: "Sau 2 tháng sẽ có kết luận nguyên nhân chính thức, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và sẽ được công khai, không có gì phải giấu diếm gì cả".
Về vấn đề ngập úng vừa qua, ông Trung thông tin Sở Xây dựng đang rà soát các quy hoạch, đề xuất các giải pháp trong tháng 7 này về vấn đề chống ngập đô thị. Theo quy hoạch của Đà Lạt, có 2 hướng thoát nước là hướng đổ về hồ Mê Linh và hướng về hồ Vạn Kiếp, sau đó đổ về vùng thấp hơn.
Qua kiểm tra rà soát lại, với đặc điểm của Đà Lạt như hiện nay, nếu có mưa lớn thì có thể sẽ tiếp tục xảy ra ngập cục bộ. "Chúng tôi đang tích cực tham mưu đề xuất UBND tỉnh những giải pháp căn cơ nhất, tốt nhất để hạn chế tình trạng ngập cục bộ này".
Phát biểu tại buổi họp, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định vấn đề sạt lở không có tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng". Chỉ trong 2 tháng, UBND tỉnh đã ban hành 11 văn bản liên quan đến vấn đề này, chưa kể những văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, chứng tỏ tỉnh đã lường trước, dự báo được những việc như vậy và cũng đã được đăng tải công khai hết.
Khu đất xảy ra sạt lở đang được giảm áp lực taluy.
Trong 4 lô đất tại hẻm 15/2 Yên Thế thì có 3 giấy phép xây dựng được cấp cùng 1 ngày, giấy phép còn lại được cấp sau đó không lâu (các giấy phép số 03/GPXD, 04/GPXD, 05/GPXD ngày 29-3-2021 và số 09/GPXD ngày 8-6-2021 tại khu đất hẻm 15/2 Yên Thế - PV).
Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, việc này cần làm rõ các mối liên hệ thế nào. Nhận định ban đầu, công trình taluy sạt lở số 15/2 Yên Thế đã không tuân thủ theo quy định của tỉnh về việc xây dựng taluy.
Còn ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết bước đầu ở vụ sạt lở này có nhiều dấu hiệu vi phạm. Dự án được cấp phép dưới hành lang điện, thi công sai ranh giới, cấp phép chưa tính toán hết khối lượng đất khoảng 6.000 m3 đất dồn lên bờ taluy quá lớn.
"Giật cấp khoảng cách quá ngắn nên khi gặp thời tiết mưa lớn, khiến bờ taly không chịu được lực dẫn tới sạt lở" - ông S nói.
Rạng sáng 29-6, khu đất xây dựng taluy hẻm 15/2 Yên Thế bị sạt lở đổ sập xuống nhiều ngôi nhà của hẻm 36 Hoàng Hoa Thám bên dưới. Vụ việc khiến 2 người là vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng Vẹn (45 tuổi) và ông Phạm Khánh (47 tuổi, cùng quê Phú Yên) tử vong. Nhiều ngôi nhà khác cũng bị đổ sập, hư hỏng nặng vì vụ sạt lở.