Hình ảnh sau khi Mặt trời bắn xung lửa cấp X về phía Trái đất - Ảnh: NASA
Theo trang tin thời tiết SpaceWeather, thời gian qua có tất cả 19 vụ nổ của Mặt trời hướng về Trái đất, bao gồm 5 vụ nổ hạng trung bình.
Hình ảnh từ Đài quan sát động lực học Mặt trời của NASA cho thấy nhóm vết đen lớn AR2993-94 trên Mặt trời đã quay phạm vi bắn về hướng Trái đất. Trang thời tiết SpaceWeather nhận định việc "bắn phá" của Mặt trời có thể sẽ tiếp tục.
Xung lửa hạng X trong hai đêm 19 và 20-4 được tạo ra từ vết đen mặt trời AR2992. Tuy nhiên các nhà khoa học không thấy được toàn bộ hoạt động của cơn bão vì vết đen ở rìa cực của Mặt trời trong quá trình phun trào.
Theo phân loại, xung lửa của Mặt trời gồm có 5 cấp độ: A, B, C, M và X. Cấp độ A là yếu nhất và cấp độ X là mạnh nhất. Ngọn lửa lớn nhất trong nhóm xung lửa diễn ra trong hai đêm 19 và 20-4 được xếp hạng X2,2.
SpaceWeather cho biết không lâu sau vụ nổ, không quân Mỹ đã báo cáo về một vụ nổ vô tuyến năng lượng mặt trời loại II.
Trung tâm Dự báo thời tiết không gian tại Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) xác nhận xung lửa xảy ra lúc 03h57 (giờ GMT) ngày 20-4 và đi kèm với vụ nổ loại II.
Các nhà khoa học sẽ sử dụng dữ liệu từ Đài quan sát Mặt trời và Heliospheric (SOHO), một tàu vũ trụ do NASA và đối tác châu Âu vận hành, để theo dõi các cơn bão cực quang (CME).
NASA vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết về việc cơn xung lửa này có ảnh hưởng đến hai tàu vũ trụ đang hoạt động hay không.
"Xung lửa và các vụ phun trào Mặt trời có thể ảnh hưởng đến liên lạc vô tuyến, lưới điện, tín hiệu điều hướng và gây rủi ro cho tàu vũ trụ và phi hành gia", các quan chức NASA viết trong một tuyên bố gần đây.
Mặt trời dường như đang thức dậy trong chu kỳ hoạt động 11 năm mới nhất của nó. Chu kỳ này bắt đầu vào năm 2019 và được dự đoán sẽ đạt cực đại vào năm 2025. Đầu chu kỳ, các nhà khoa học dự báo rằng nhìn chung Mặt trời sẽ yên tĩnh hơn bình thường do ít vết đen hơn.