Đại tá, Lương Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội) cho hay, từ trước đến nay người Việt chỉ mới biết sử dụng bí đỏ là rau, quả, hoa ăn. Mà bỏ quên giá trị rất lớn là thuốc chữa bệnh của loại cây này.
Bí đỏ được trồng trên khắp đất nước Việt Nam vì dễ trồng và thích nghi với mọi điều kiện thổ nhưỡng. Bí đỏ còn có tên gọi khác là bí ngô, bí rợ, nam qua, Má ứ (Thái), Phặc đeng (Tày), Plăc ropual (Kho), Nhấm (Dao)… Tên khoa học: Cucurbita moschata (Duch. ex Lam.) Duch. ex Poir.
Theo Lương y Bùi Hồng Minh trong Đông y, bí đỏ có cùi ngọt, tính ấm, ổ thần kinh, điều hoà tỳ vị, bổ khí lực, nhuận tràng. Công dụng: Trừ sán (nhân hạt ), giảm đau đầu (Quả ), gây nôn, giải độc (cuống quả), giảm chứng đau đầu chóng mặt (rau bí).
Bí đỏ thường được dùng để chữa nhức đầu, suy nhược thần kinh, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy chức năng gan, thận, bổ máu.
Vị Lương y cho hay, tất cả các bộ phận của bí đỏ đều có tác dụng làm thuốc. Tuy nhiên, cùi bí đỏ thì được dùng nhiều hơn cả. Y học hiện đại đã phân tích trong 100g thịt bí đỏ chứa 85 - 91% nước, 3,3 - 11g bột đường, 0,1 - 0,5g chất béo, 0,8 - 2g chất đạm, 0,9g protein… Ngoài ra, thịt bí còn chứa vitamin: B1,B6, PP, B2, các acide béo quý gồm linolenic, beta caroten, linoleic.
Bí đỏ còn có nhiều carotene (chất oxy hoá) giúp trẻ hoá tế bào, tăng cường khả năng miễn dịch, phòng bệnh và chống lão hóa, giúp ngăn ngừa loãng xương và tăng huyết áp…
Bí đỏ thuốc quý chữa nhiều bệnh.
Các nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng, bí đỏ giàu lượng vitamin C cao có tác dụng tăng cường sức để kháng giúp cho cơ thể, giúp cho hệ miễn dịch trở nên khỏe mạnh hơn.
"Trong y học cổ truyền, thịt bí đỏ có tác dụng bổ thần kinh, điều hòa tỳ vị, bổ khí lực, nhuận tràng, dùng trị đau đầu, suy nhược thần kinh, chống táo bón. Theo kinh nghiệm của nhân dân ta, thịt quả bí đỏ để bổ thần kinh, điều hòa tỳ vị, bồi bổ cơ thể. Ngày dùng 100 – 200g dưới dạng nấu ăn", Lương y Hồng Minh nhấn mạnh.
Phụ nữ mang thai thường xuyên bị táo bón nên ăn bí đỏ thường xuyên sẽ giúp nhuận tràng và bồi bổ cho sức khoẻ của cả mẹ và con.
Lương y Bùi Hồng Minh cung cấp thêm, trong bí đỏ có chứa chất physterol, axit béo omega 3, omega 6 có tác dụng làm giảm lượng cholesterol xấu, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Do vậy, ăn bí đỏ thường xuyên là cách làm sạch máu tự nhiên.
Lương y gợi ý một số món ăn bài thuốc từ bí đỏ
- Chữa đau đầu chóng mặt: Bí đỏ hầm hầm xương lợn, thịt gà, vịt ăn 3 lần/tuần.
- Chữa đau đầu: Ngọn rau bí tước bỏ vỏ ngoài nấu canh hoặc luộc ăn cả cái và nước.
- Chữa ho khan, ho nhiều đờm do phế yếu: Bí đỏ 100g, đậu phụng 40g, hầm ăn nhiều tuần.
- Chữa viêm gan: Thị bí đỏ 200g, gan lợn100g nấu cháo.
- Tẩy giun: Hạt bí đỏ rang nhỏ lửa hoặc dùng sống, bỏ vỏ ăn 30-50g vào lúc đói, ăn vài lần. Có thể dùng hạt sắc nước uống khi đói. Tẩy giun và sán: Hạt bí kết hợp với hạt cau, sắc uống vào lúc đói. Lưu ý, sau khi uống thuốc trên, cần uống thêm liều thuốc tẩy nhẹ để tống giun sán ra ngoài.
- Chữa tiểu không tự chủ, đau mỏi khớp: Hạt bí 12g kết hợp thêm thục địa 20g, hoài sơn 16g, đơn bì 14g, sơn thù 12g, phục linh 14g, trạch tả 12g, hoàng bá 10g. Sắc uống hoặc làm hoàn uống ngày 12-14g chia 2-3 lần.