Theo hãng tin Bloomberg, hàng loạt cú sốc đang xảy đến với những nền kinh tế mới nổi ở mức độ chưa từng có kể từ thập niên 1990. Giá thực phẩm và năng lượng tăng cao đang khiến người dân Sri Lanka, Ai Cập, Tunisia và Peru gào khóc. Trong khi đó rủi ro vỡ nợ của những nước đang phát triển đe dọa sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào hố sâu sau khi mới hồi phục hậu dịch Covid-19.
Tồi tệ hơn, Bloomberg cho rằng việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất sẽ khiến lãi suất tín dụng tăng cao với những nước đang phát triển, vốn đã phải vay nợ hàng tỷ USD nhằm chống dịch Covid-19, qua đó thúc đẩy xu thế thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Những nước có nguy cơ vỡ nợ cao sau Sri Lanka
Thêm nữa, tình hình xung đột tại Ukraine càng làm trầm trọng thêm vấn đề khi siết chặt hơn nữa nguồn cung lương thực, năng lượng trên thế giới và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế toàn cầu.
Dấu hiệu mới đây nhất phải kể đến vụ vỡ nợ của Sri Lanka khi không thanh toán được khoản lãi trái phiếu đáo hạn. Số liệu của Bloomberg Economics cho thấy hàng loạt các quốc gia từ Pakistan, Tunisia, Ethiopia cho đến Ghana rồi sẽ phải theo gót nếu mọi chuyện tiếp tục tồi tệ như hiện nay.
Mặc dù những nền kinh tế mới nổi chuyên xuất khẩu dầu mỏ, khoáng sản, nguyên vật liệu có thể hưởng lợi từ giá cả tăng cao và chống đỡ được khủng hoảng tạm thời, thế nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới lại đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khi Trung Quốc oằn mình chống dịch Covid-19 và đóng cửa các bến cảng, cửa khẩu.
Bên cạnh đó, hãng tin Bloomberg cũng lo lắng cuộc xung đột Nga-Phương Tây cuối cùng sẽ đẩy Châu Âu lẫn Mỹ vào vòng xoáy suy thoái khi lạm phát tại đây đã tăng cao lên mức kỷ lục vài chục năm qua.
Hàng loạt các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã lên tiếng cảnh báo về một viễn cảnh suy thoái diện rộng trên thế giới nếu tình hình hiện nay tiếp diễn. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (World Bank) trong cuộc họp tuần này ở thủ đô Washington-Mỹ đã phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như nâng mức độ cảnh báo rủi ro cho các nước đang phát triển.
Cơn bão lan rộng
Theo IMF, cuộc xung đột tại Ukraine đang gây ảnh hưởng lan rộng ra toàn bộ kinh tế thế giới. Những nền kinh tế mới nổi sẽ chịu khủng hoảng trước và tác động ngược trở lại những nước phát triển, vốn đang phải đau đầu với lạm phát phi mã.
Năm 2022 đầy rủi ro với lạm phát và giá dầu tăng cao, trong khi nguy cơ vỡ nợ cận kề
Trong khi đó, World Bank đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cũng như tuyên bố kế hoạch tung gói cứu trợ trị giá 170 tỷ USD, tức lớn hơn cả gói cứu trợ trong dịch Covid-19, để chuẩn bị cho cơn bão sắp tới.
"Chúng ta có thể chứng kiến những điều tồi tệ sắp diễn ra. Sự kết hợp của cú sốc trong nền kinh tế và thị trường tài chính sẽ đẩy hàng loạt nước nghèo rơi vào cảnh vỡ nợ hoặc phải tái cấu trúc tín dụng", chuyên gia John Lipsky của IMF cảnh báo.
Rủi ro vỡ nợ lớn nhất hiện nay được Bloomberg đánh giá là Nga khi quốc gia này phải chịu cấm vận Phương Tây cũng như tham gia vào cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên với lượng dự trữ ngoại hối cùng vị thế của mình, Nga nhiều khả năng sẽ chống chọi lại được các thách thức trong thời gian dài như đã từng làm trước đây.
Trái lại, những quốc gia nhỏ như Sri Lanka thì không có khả năng đó. Đồng tiền của nước này đã mất giá 40% trong năm nay. Tuần trước, chính phủ Sri Lanka đã phải từ chối thanh toán lãi trái phiếu đáo hạn để rơi vào cảnh vỡ nợ kỹ thuật, qua đó dồn tiền còn lại trong ngân sách để mua lương thực, năng lượng cứu người dân.
Điều tồi tệ là Sri Lanka chỉ là mở đầu, khoảng 13 nền kinh tế mới nổi hiện nay có trái phiếu chính phủ được giao dịch cao hơn trái phiếu Mỹ từ 1.000 điểm cơ bản trở lên, có nghĩa là lợi suất đáo hạn (YTM) của các trái phiếu này cao hơn ít nhất 10% so với YTM trái phiếu Mỹ. Con số này cao hơn gấp đôi so với chỉ 6 nền kinh tế cách đây 1 năm.
Trong khi đó, hợp đồng bảo hiểm nợ xấu của các khoản tín dụng với nước đang phát triển cũng bùng nổ khi xung đột Ukraine mới diễn ra, qua đó cho thấy nỗi sợ vỡ nợ gia tăng.
Mới đây, Bloomberg Economics đã xây dựng mô hình xếp hạng về những nền kinh tế mới nổi có khả năng gặp khủng hoảng lớn. Trong đó Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đứng đầu danh sách các nước mới nổi sẽ chịu tổn thương nặng về kinh tế, tài chính do xung đột tại Ukriane. Những nền kinh tế như Tunisia, Ethiopia, Pakistan, Ghana và El Salvador vốn vay nợ nhiều với chi phí đi vay (bao gồm lãi vay và các chi phí khác liên quan đến việc vay vốn) đã tăng hơn 700 điểm phần trăm kể từ năm 2019 sẽ phải đối mặt rủi ro vỡ nợ.
Người dân xếp hàng mua dầu hoả tại Sri Lanka
Rủi ro hiện hữu
Chuyên gia kinh tế Ziad Daoud của Bloomberg Economics, dù rủi ro kinh tế của những nền kinh tế mới nổi bản thân không đáng kể, nhưng với số lượng lớn như hiện nay thì chúng sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng lan rộng.
Ngân hàng World Bank ước tính khoảng 60% nước thu nhập thấp hiện nay đang khó trả nợ hoặc đang cận kề vỡ nợ. Tuy nhiên chuyên gia kinh tế trưởng Carmen Reinhart của World Bank cho biết các nhà đầu tư thì chẳng quan tâm mấy bởi họ đang chăm chú kiếm tiền ở các nước phát triển.
"Những rủi ro trên bắt đầu hiển hiện nhưng chẳng mấy ai quan tâm", bà Reinhart nói.
Đồng quan điểm, IMF cho biết chính phủ nhiều nước đang phát triển đã vay nợ rất nhiều để chống đại dịch và giờ đây khi chi phí đi vay tăng mạnh, rủi ro vỡ nợ cũng ngày càng lớn và kéo theo đó sẽ là một cuộc khủng hoảng diện rộng.
Theo IMF, một lượng lớn tiền vay được của chính phủ đang nằm trong hệ thống ngân hàng và chúng có khả năng tạo nên một vòng lặp khủng hoảng kép. Khi đó, các ngân hàng sẽ phải giảm vay nợ vì chi phí đi vay tăng cao, nhưng nền kinh tế lại đang đói vốn vì tăng trưởng chậm hậu dịch Covid-19. Trái phiếu chính phủ thì mất giá mạnh, hệ quả là nền kinh tế rơi vào khủng hoảng kép khiến Nga suy thoái vào năm 1998 còn Argentina rơi vào khủng hoảng năm 2002.
Thảm hoạ
Việc FED nâng lãi suất nhằm chống lại lạm phát không chỉ khiến chi phí đi vay tăng cao mà còn khiến nhiều ngân hàng trung ương nâng lãi suất theo để chống đà tăng giá hàng hoá.
Cựu chuyên gia kinh tế Jim O’Neil của Goldman Sachs cho biết tình hình kinh tế hiện nay đang bất ổn chưa từng thấy kể từ khi ông bắt đầu sự nghiệp từ đầu thập niên 1980.
"Nếu chúng ta chống lại lạm phát bằng cách nâng lãi suất, nhiều nước mới nổi sẽ rơi vào cảnh thảm hoạ", ông O’Neil nhận định.
Người Nga xếp hàng rút tiền năm 1998 khi nền kinh tế khủng hoảng
Hiện ngoài Sri Lanka, hàng dài các nước đang phải đàm phán kêu cứu với IMF, từ Ai Cập đến Tunisia khi giá lương thực phi mã, Tại Pakistan, chính phủ đã phải cắt điện luân phiên vì không đủ tiền mua than đá, khí đốt cho các nhà máy điện.
Tại Tunisia, chính phủ đã nâng giá xăng ít nhất 4 lần trong 13 tháng qua. Ngành du lịch chủ chốt của nước này thì đang héo mòn trong khi chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy, các khu chợ khan hiếm đồ nhu yếu phẩm.
Tại Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới đang chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc xung đột Ukraine. Tháng 3/2022, chính phủ phải phá giá đồng nội tệ hơn 15% chỉ trong vài giờ cũng như nâng lãi suất lần đầu tiên trong 5 năm qua. Dòng vốn nước ngoài thì liên tiếp rút chạy khỏi nền kinh tế này vì bất ổn.
250 triệu người đói ăn
Tất nhiên không phải nước mới nổi nào cũng chịu thiệt. Nhờ giá hàng hóa tăng cao mà những nước xuất khẩu chính tại Châu Mỹ Latinh được lợi. Đồng Real của Brazil đã trở thành đồng tiền tăng giá tốt nhất trong năm vừa qua, còn xuất khẩu của Chile trong tháng 3/2022 cũng tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, tình hình chung tại Châu Mỹ Latinh cũng không khá hơn chút nào. Peru hiện là một trong những nước có số người chết vì dịch Covid-19 cao nhất thế giới đang gặp bất ổn cả về kinh tế lẫn xã hội. Nước này đạt thặng dư tài khoản vãng lai 0,8% GDP vào cuối năm 2020 nhưng lại thâm hụt 2,8% đầu năm nay. Con số thâm hụt này tương ứng là 6% và 7% GDP với Colombia và Chile trong quý IV/2021.
Nguồn vốn nước ngoài mà chủ yếu thông qua các khoản vay nợ chiếm đến 10-15 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của các nước trên trong 2 năm qua. Vậy nhưng dòng vốn này đang dần rút khỏi đây do lo sợ bất ổn.
Hình ảnh xếp hàng xin cứu trợ, mua nhu yếu phẩm đang ngày càng lan rộng tại các nước
Tại Brazil, dù đồng tiền lên giá nhưng lạm phát cũng tăng chả kém, đạt tới 11,3% trong tháng 3/2022 bất chấp những chính sách thắt chặt tiền tệ của chính phủ. Hệ quả là dù hưởng lợi từ xuất khẩu hàng hóa khi giá cao nhưng Brazil cũng phải bơm 32 tỷ USD nhằm cứu trợ người dân trong cảnh khó khăn.
"Mỗi tháng qua đi là tình hình lại càng tồi tệ hơn", bà Maria Conceicao sống tại Rio de Janeiro-Brazil than vãn.
Theo tổ chức Oxfam, hơn 250 triệu người trên thế giới sẽ bị đẩy vào cảnh khốn cùng trong năm nay và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có chuyển biến mới.
*Nguồn: Bloomberg