Sáng 21/4, Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với tất cả tờ trình được thông qua.
Năm nay, PVD lên mục tiêu 4.700 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng gần 9% so với năm 2021. Doanh nghiệp phấn đấu không bị lỗ và nộp ngân sách nhà nước 400 tỷ đồng.
Công ty dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 4.215 tỷ lên 5.611 tỷ đồng hết năm nay, quy mô tổng tài sản đạt 20.566 tỷ cuối năm.
Về chỉ tiêu công ty mẹ, PVD đặt kế hoạch tổng doanh thu tăng gần 16,6% lên 3.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 45 tỷ đồng, gấp 1,55 lần thực hiện năm 2021.
Doanh nghiệp cho biết kế hoạch kinh doanh trên dựa trên dự đoán thị trường dầu khí đặc biệt là thị trường khoan vẫn còn khó khăn, dịch bệnh diễn biến khó lường, ước tính các chương trình khoan trong nước không nhiều, tình trạng cung vượt cầu giàn khoan vẫn ở mức cao và đơn giá cho thuê giàn cùng các dịch vụ khác vẫn ở mức thấp.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021 và 2022, HĐQT đã trình cổ đông giữ nguyên phương án chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% như đã phê duyệt tại ĐHĐCĐ thường niên 2021.
Cho năm 2022, dự báo hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn khi lãi sau thuế công ty mẹ dự kiến chỉ đạt 45 tỷ và báo cáo hợp nhất không lỗ, PVD sẽ trình phương án chia cổ tức năm 2022 tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 phù hợp với tình hình và kết quả kinh doanh thực tế.
Năm 2022, tổng chi phí đầu tư dự kiến của PVD khoảng 315 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm các khoản mục đầu tư liên quan đến công tác sửa chữa và mua sắm thiết bị trên giàn khoan. Chi phí đầu tư của công ty mẹ là 161 tỷ còn các đơn vị thành viên là 154 tỷ đồng.
Thảo luận:
Câu hỏi: Kế hoạch kinh doanh của PVD ứng theo từng mức giá dầu như thế nào?
Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Cường cho biết công ty không hưởng lợi trực tiếp từ việc giá dầu neo ở mức cao.
Tuy nhiên, nếu giá dầu ổn định (neo cao như hiện tại) thì PVD hi vọng khi gia hạn hoặc ký mới hợp đồng thì công ty sẽ có nhiều cơ hội để tăng giá cũng như điều chỉnh giá thuê hơn.
Hiện hợp đồng ký mới chỉ có giàn PV Drilling II và giàn PV Drilling VI thực hiện trong quý IV tới nhưng việc tăng giá cũng không được nhiều.
Giá thuê giàn hiện nay đạt khoảng 57.000 USD/ngày, cuối năm có thể đạt 60.000 USD/ngày, ông Cường dự báo.
Kết quả kinh doanh quý I/2022?
Lãnh đạo PVD trình bày, trong hai tháng đầu năm công ty có 2 giàn khoan không có việc, đến tháng 3 mới hoạt động. Bù lại có 3 giàn khoan hoạt động ở nước ngoài và 1 giàn khoan duy trì xuyên suốt tại Vietsopetro từ đó đảm bảo dòng tiền cho PVD. Với những khó khăn như vậy và giá khoan là 57.000 USD thì dự kiến quý I đạt 1.000 tỷ doanh thu, lỗ sau thuế khoảng 75 tỷ đồng.
Kế hoạch thoái vốn của Tập đoàn Petrovietnam (PVN) tại PVD?
Ít nhất đến năm 2025, PVN vẫn sẽ không có kế hoạch thoái vốn tại PVD. PVN đánh giá PVD là đơn vị trọng yếu trong khâu đầu của ngành dầu khí nên tập đoàn vẫn sẽ nắm trên 51% tại công ty.
Dự báo kết quả kinh doanh quý II?
Trong quý II, hiệu suất sử dụng giàn có tăng. Nếu tính trích lập bảo trì bảo dưỡng 44 tỷ, trích lập 20% của nợ quá hạn từ KrisEnergy (nhà thầu dầu khí có trụ sở tại Singapore) khoảng 17 tỷ đồng thì dự kiến quý II lỗ 49 tỷ đồng.
Tình hình công nợ từ KrisEnergy?
Hiện trạng họ đã ghi nhận hoàn toàn công nợ. Tuy nhiên công ty này đang gặp nhiều khó khăn tại Campuchia. Đến thời điểm hiện tại, trong quý II PVD vẫn phải trích lập công nợ 20%.
Từ khi phát sinh nợ hơn 100 tỷ, PVD đã thu hồi, còn khoảng 5%. Khi các thủ tục thì đến đầu năm sau sẽ hoàn tất thu nợ.
Triển vọng của PVD năm 2023 - 2024?
Với năm 2023 nếu giá dầu duy trì chỉ cần neo ở mức 80 USD/thùng, một số mỏ đi vào triển khai như dự báo (Kình Ngư Trắng, Lạc Đà Vàng, Đại Hồng Nam) thì PVD có đủ điều kiện để phát triển.
Hơn nữa, PVD cũng đang chờ đợi Lô B ở Phú Quốc. "Thông tin riêng của tôi có được là dự án đã bắt đầu mở gói thầu xây lắp, đây là dấu hiệu tích cực. Nếu dự án được triển khai thì đầu 2024 PVD sẽ bắt đầu khoan. Đồng nghĩa PVD sẽ chuẩn bị các chương trình vào cuối năm 2023", ông Nguyễn Xuân Cường nói.