Khoa học

Băng ở vùng biển Nam Cực thấp kỷ lục

Băng ở vùng biển Nam Cực thấp kỷ lục - Ảnh 1.

Băng ở biển Nam Cực - Ảnh: EUMETSAT

Băng biển phát sinh khi nước đóng băng, thường nổi trên bề mặt đại dương. Ngoài lượng băng "khủng" trên lục địa, khu vực Nam Cực còn sở hữu lượng lớn băng trôi ở các vùng biển xung quanh.

Theo thống kê, lượng băng biển ở Nam Cực đã thu hẹp xuống dưới 2 triệu km2. Đây là mức thấp nhất kể từ thời điểm có các chuyên gia đầu tiên bắt đầu ghi chép số liệu hơn nửa thế kỷ trước.

Trong đợt đo đạc cuối tháng 2-2022, mực nước ở biển Bellingshausen, Amundsen và Weddell - những vùng biển thường có băng bao phủ ở Nam Cực - đã thấp hơn khoảng 30% so với mức trung bình từ năm 1981-2010.

Vào tháng 3-2022, lượng băng biển bao phủ Nam Cực cũng đã thấp hơn 26% so với mức trung bình 1991-2020, thấp nhất trong vòng 44 năm qua.

Sử dụng dữ liệu từ Trung tâm dữ liệu băng và tuyết quốc gia (Mỹ), nhóm nghiên cứu từ Đại học Trung Sơn (Đài Loan) cho rằng phân tích vào mùa hè, nhiệt động lực học là nguyên nhân chính trong các quá trình thúc đẩy băng biển tan chảy ở biển Nam Cực.

Theo nhóm nghiên cứu, điều này xảy ra do sự bất thường trong quá trình vận chuyển nhiệt không đều ở các vùng biển Bellingshausen, Amundsen, phía tây Thái Bình Dương và đặc biệt là biển Weddell phía đông.

Bức xạ hồng ngoại cũng tăng vào mùa hè cùng thời điểm với sự kết hợp của La Nina và vành đai gió Tây mạnh, góp phần làm cho mức băng ở vùng biển Nam Cực thấp kỷ lục như số liệu đo đạc.

Theo Tổ chức bảo vệ môi trường Hòa Bình Xanh (Greenpeace), khu vực biển xung quanh Nam Cực là một trong những khu vực ấm lên nhanh nhất trên Trái đất. Ở nhiều vị trí, nhiệt độ trung bình đạt hơn 3 độ C.

Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng với tốc độ như hiện tại, các thềm băng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thềm băng có thể sụp đổ, sông băng sẽ tan chảy vào đại dương, khiến mực nước biển có nguy cơ dâng cao hàng chục xentimet.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm