Bạn đã bao giờ nhìn thấy một con vịt bơi trên mặt nước chưa? Bề ngoài có vẻ như con vịt đang di chuyển dễ dàng trên mặt nước, tư thế chậm rãi, nhẹ nhàng. Tuy nhiên, bên dưới bề mặt yên tĩnh là một thực tế khác: Đôi chân vịt đang đạp điên cuồng để nổi.
Sự tương phản giữa sự thoải mái bề ngoài và nỗ lực tiềm ẩn tạo nên hiện tượng tâm lý có tên gọi "Hội chứng con vịt nổi", được các nhà nghiên cứu của ĐH Stanford đề xướng.
Về bản chất, "hội chứng vịt nổi" đặc biệt phổ biến ở những cá nhân có thành tích cao, thành đạt. Nhìn bên ngoài họ tỏ ra thư thả hoặc thờ ơ nhưng bên trong là những "cơn bão" của việc tự buộc bản thân phải liên tục xuất sắc trong học tập hoặc thành công trong nghề nghiệp. Thực tế, họ rất lo lắng, nghi ngờ bản thân và không ngừng theo đuổi thành tích.
Một nghiên cứu từ tạp chí Emotion minh họa những tác động đáng lo ngại hội chứng vịt nổi. Con người nói chung có xu hướng che giấu những dấu hiệu đấu tranh nội tâm. Trong nỗ lực duy trì vẻ ngoài kiểm soát tốt, chúng ta "nội tâm hóa những căng thẳng", từ đó tự làm tăng thêm gánh nặng cho bản thân và cô lập chính mình khỏi những nguồn hỗ trợ tiềm năng.
Chúng ta thậm chí có thể tự lừa dối bản thân khi tin rằng phải tự mình vượt qua thử thách mà không cần sự trợ giúp từ người khác. Khi khép mình lại trước khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ, chúng ta đã vô tình tự tạo rào cản và cản trở khả năng đối phó hiệu quả của mình, không có cơ hội kết nối đích thực với những người khác.
Các nhà tâm lý của ĐH Stanford cảnh báo, "hội chứng vịt nổi" không chỉ gây hại cho bản thân người thành công mà còn gây áp lực lên những người xung quanh. Cảm giác tự nghi ngờ bản thân, thấy mình thua kém dễ dàng xuất hiện khi mọi người so sánh những nỗ lực, thất bại của mình với vẻ ngoài "dễ dàng thành công" của người khác.
"Mạng xã hội khiến chúng ta bị lừa dối khi thấy mọi người chỉ thể hiện những thứ tốt đẹp nhất và lọc bỏ những khó khăn, thất bại trong cuộc sống của họ. Kết quả của bề ngoài này là chúng ta rơi vào cái bẫy này khi nghĩ rằng mình đơn độc và chỉ là một kẻ thất bại. Hãy nhớ, tất cả chúng ta đều trải qua những thăng trầm và điều quan trọng là phải thừa nhận những trở ngại và tìm kiếm sự hỗ trợ thay vì chèo thuyền điên cuồng dưới bề mặt", khuyến cáo của Stanford dành cho sinh viên viết.
(Theo Psychology Today)