Cho vay margin tăng mạnh
Các công ty chứng khoán đang dồn dập công bố báo cáo tài chính quý 1-2024. Thống kê của Tuổi Trẻ Online từ 50/80 công ty cho thấy dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đạt khoảng 190.000 tỉ đồng vào cuối tháng 3-2024.
Số nêu trên tăng gần 64% so với cùng kỳ 2023 và tăng gần 12% so với đầu năm 2024. Mức tăng đưa tổng dư nợ margin vượt đỉnh cũ 173.200 tỉ đồng (quý 1-2022) theo thống kê Fiintrade trên gần 50 công ty chứng khoán đại diện 93% tổng vốn chủ sở hữu toàn ngành.
Cũng cần nhấn mạnh, quý 1-2022 là giai đoạn chỉ số VN-Index lập đỉnh 1.500 điểm, trong khi hiện tại chỉ số chung đang ở mức 1.174 điểm sau nhiều phiên giảm mạnh liên tiếp.
Tuy nhiên, thống kê từ đơn vị dữ liệu cũng cho thấy "room" cho vay margin tính đến hết quý đầu năm vẫn còn lại tương đối lớn - khoảng 297.00 tỉ đồng.
Theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu.
Một chuyên gia tài chính nhìn nhận, "room" ế còn lại lớn vì vừa qua, các công ty chứng khoán tăng mạnh vốn, ngoài ra nhiều đơn vị hoạt động như mô hình ngân hàng đầu tư.
Xu hướng nổi mạnh lên các năm gần đây, các công ty chứng khoán thúc đẩy dịch chuyển mạnh mô hình kinh doanh, giảm nguồn thu từ phí môi giới, thậm chí "zero fee" để có được thị phần, khách hàng.
Khi nắm được thị phần trong tay, các công ty có thể đẩy mạnh các sản phẩm khác có biên lợi nhuận tốt hơn, trong đó có cho vay ký quỹ...
Chưa kể, từ năm 2023 đến nay, mặt bằng lãi suất thấp dần và xuống mức kỷ lục trong 20 năm gần đây đã tạo thêm dư địa thúc đẩy nhu cầu thị trường, đồng thời giảm chi phí vốn, qua đó mang về lợi nhuận tốt hơn...
Công ty chứng khoán thuộc ngân hàng tăng tốc "đường đua" cho vay
Dữ liệu từ báo cáo tài chính quý 1-2024 cũng cho thấy những công ty chứng khoán có mức tăng hàng trăm % so với cùng kỳ năm ngoái không phải những đơn vị rất "quen" như SSI, VNDirect… mà hầu hết đến từ các công ty có liên quan ngân hàng.
Đứng đầu thị trường về dư nợ vay margin là Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) - một công ty con của Techcombank - với 19.087 tỉ đồng ở cuối quý 1-2024, tăng gấp hơn 2 lần (+106%) so với cùng kỳ năm 2023.
Không dẫn đầu về giá trị tuyệt đối, nhưng Chứng khoán MB (MBS) có tốc độ tăng cho vay cũng "đáng nể".
Dư nợ ký quỹ | |
---|---|
TCBS | 19087 |
SSI | 16957 |
HSC | 14200 |
Mirae Asset | 13768 |
VPS | 11157 |
VNDirect | 9957 |
MBS | 9273 |
VPBanks | 8909 |
Vietcap | 8419 |
KIS Việt Nam | 7672 |
VCBS | 5804 |
KB Việt Nam | 5387 |
Chứng khoán ACB | 5478 |
Cụ thể, dư nợ margin MBS cuối quý 1-2024 đạt 9.273 tỉ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm, nhưng đã tăng gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ 2023.
MBS được thành lập bởi Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với tên gọi tiền thân là Công ty CP chứng khoán Thăng Long.
Ngoài MBS, Chứng khoán VPBank (VPBankS) cũng là một cái tên ghi nhận tăng trưởng dư nợ ở mức nhanh trên thị trường.
Cuối quý 1-2024, VPBankS có 8.909 tỉ đồng được ghi nhận khoản cho vay ký quỹ, tăng hơn 180% so với cùng kỳ 2023.
Trên website, VPBankS giới thiệu là công ty thành viên nằm trong hệ sinh thái tài chính của VPBank.
Trước đó, ASCS được VPBank mua lại và đổi tên thành Chứng khoán VPBank vào năm 2022.
Chứng khoán ACB (ACBS) cũng được thành lập với 100% vốn chủ sở hữu của Ngân hàng TMCP Á Châu.
Cuối tháng 3-2024, dư nợ cho vay margin ở ACBS đạt 5.478 tỉ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm và tăng 122% (tương đương 2,2 lần).
Trong khi Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đạt dư nợ 5.804 tỉ đồng thời điểm cuối tháng 3-2024, cũng tăng 93% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn lại một số công ty có dư nợ margin lớn và tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, gồm Chứng khoán SSI với 16.957 tỉ đồng, tăng gần 55%; Chứng khoán Mirae Asset (13.786 tỉ đồng) tăng 21%; VPS (11.157 tỉ đồng) tăng 58%; KIS Việt Nam (7.672 tỉ đồng) tăng 44%; Vietcap (8.419 tỉ đồng) tăng 68%; Chứng khoán KB Việt Nam (5.387 tỉ đồng) tăng 19%...