Công nghệ

"Mặt cười, mặt mếu" chi phối giao tiếp online

Nếu tham gia đoạn chat không xuất hiện các biểu tượng cảm xúc (emoji hoặc sticker), Minh luôn có cảm giác thiếu tự nhiên, căng thẳng, cho rằng người bên kia xa cách, hoặc đang không thực sự hứng thú với cuộc trò chuyện.

Tương tự, thay vì nhắn tin văn bản, từ lâu Hoàng Quyên và bạn trai chủ yếu sử dụng emoji. "Đôi khi có những thứ bạn khó diễn đạt, nhưng chỉ cần gửi đi một biểu tượng cảm xúc kiểu mặt mếu hay cười ra nước mắt là đã có thể thay cho lời muốn nói", Quyên cho hay. Theo cô, việc chọn emoji cũng kích thích trí tượng tưởng, như đang chơi một trò chơi chứ không đơn thuần nhắn tin và có thể kiểm tra xem mình và bạn chat có đang hiểu ý nhau không.

"Bên cạnh đó, thông điệp chỉ bằng emoji cũng giống một kiểu mã hóa đầu cuối, giúp bạn bảo mật nội dung riêng tư", Quyên lý giải.

Nhiều người có thói quen nhắn tin bằng emoji thay cho tin nhắn văn bản.

Nhiều người có thói quen nhắn tin bằng emoji thay cho tin nhắn văn bản.

Những trường hợp như Ngọc và Quyên khá phổ biến. Kết quả khảo sát được Duolingo và Slack công bố hôm 17/7 cho thấy 57% những người được hỏi trên toàn cầu cho rằng tin nhắn "không hoàn chỉnh" nếu thiếu biểu tượng cảm xúc. 67% nói họ thấy gần gũi và gắn bó hơn trong một cuộc trò chuyện khi nhắn tin cho ai đó hiểu những emoji mà mình đang dùng.

Tại Mỹ, trung bình cứ 10 người được hỏi thì có 7 người cho rằng emoji là một phần "không thể không có" trong các đoạn chat. Một số người dùng trẻ còn tin nếu câu chat không có emoji đi kèm, người nhắn có thể đang không vui. Không khí buổi trò chuyện sẽ trở nên căng thẳng nếu thiếu những emoji màu sắc. 55% cho biết việc dùng emoji giúp họ truyền đạt nhanh hơn trong công việc.

Theo Guardian, emoji được định nghĩa đơn giản là ký tự dạng hình ảnh được dùng để truyền tải cảm xúc trong các tin nhắn điện tử và trang web. Emoji lần đầu xuất hiện vào cuối những năm 1990 bởi công ty truyền thông DoCoMo ở Nhật Bản.

Từ ngày ra mắt, các biểu tượng cảm xúc được người dùng khắp thế giới đón nhận và sử dụng như một phần bổ sung nội dung cho các đoạn chat. Tuy nhiên gần đây, nhiều người trẻ đã "nghiện" emoji, dùng chúng để thay thế cho các câu chat truyền thống.

"Sếp bạn nhắn tin tối nay cả nhóm phải tăng ca. Bạn không thể từ chối nhưng cũng không vui vẻ chấp nhận. Bạn sẽ nhắn gì để sếp hiểu tâm trạng của mình? Sẽ có những tình huống câu chữ không thể giải quyết được vấn đề nhưng với emoji, mọi thứ đơn giản hơn. Bạn có thể gửi biểu tượng cảm xúc vừa khóc vừa cười hoặc một icon với hai dòng nước mắt chảy dài. Thậm chí một nút like cũng nói lên nhiều hơn những dòng chat", Bảo Đạt, nhân viên văn phòng tại TP HCM, lý giải về sức hút của các emoji.

Đạt cho biết emoji luôn tràn ngập trong các nhóm chat với bạn bè, đồng nghiệp và gia đình. "Bố mẹ mình cũng rất thích dùng emoji khi chat. Thi thoảng mọi người vẫn thấy 'thiếu thiếu gì đó' nếu đoạn chat không được đính kèm mấy hình mặt cười", Đạt nói.

"Mọi người đang dùng emoji như một hệ thống ngôn ngữ giao tiếp. Nó có thể biểu hiện những sắc thái tinh tế trong nhiều bối cảnh khác nhau, đặc biệt trên môi trường Internet. Tuy nhiên như mọi ngôn ngữ khác, việc dùng emoji thi thoảng cũng gây hiểu nhầm, thậm chí phản tác dụng", Hope Wilson, Giám đốc học tập tại Duolingo, cho biết trên The Next Web.

Xuân Tú, quản lý một công ty kinh doanh thực phẩm, nói: "Emoji rất tuyệt, nhưng đôi lúc nó khiến nhiều người khó chịu. Thi thoảng, tôi đưa một thông báo và mong chờ các ý kiến phản hồi, nhưng mọi người chỉ bấm like hoặc để lại một biểu tượng cảm xúc. Mọi thứ kết thúc trong im lặng giữa những icon trong khi đáng lẽ nên là những trao đổi chi tiết hơn".

Nhiều người cũng cho biết họ cảm thấy không được tôn trọng khi ai đó kết thúc buổi trò chuyện bằng một emoji thay vì một câu chào. Một rắc rối khác là việc không hiểu đúng ý nghĩa của icon. Điển hình nhất là "khuôn mặt cười mỉm :-)" . Theo khảo sát của Slack và Duolingo, 38% người được hỏi cho rằng emoji này dùng để mô tả sự hạnh phúc, 39% nghĩ đây là sự mô tả tâm trạng "tích cực nói chung". Tuy nhiên, 14% nói emoji thể hiện sự "bực tức", "không tin tưởng". Số còn lại còn nghĩ biểu tượng này thể hiện sự lạnh nhạt hoặc mỉa mai.

Việc lạm dụng emoji còn khiến nhiều người vướng vào các tranh chấp liên quan đến pháp lý. Sixth Tone dẫn báo cáo của tòa án tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hồi đầu tháng 7 cho biết trong 5 năm qua, các cơ quan tư pháp nước này đã công nhận 158 vụ kiện sử dụng bằng chứng là các biểu tượng cảm xúc. Xu hướng công nhận các cách thức giao tiếp hiện đại như emoji hay sticker, ảnh chế... đã tăng từ 8 vụ trong năm 2018 thành 61 vụ trong năm 2021.

Việc tòa án công nhận emoji như một bằng chứng trước toà cũng gây ra một làn sóng tranh cãi trong cộng đồng. Một số lo ngại các hình ảnh biểu tượng họ dùng có thể bị suy diễn theo những ý nghĩa khác và có thể trở thành "bằng chứng kết tội" trong tương lai. "Liệu tôi có thể bị kết tội bạo lực nếu dùng emoji 'cú đấm' hay 'cái búa' không?", một người dùng đặt câu hỏi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm