Trong bối cảnh dòng vốn trong nước trở nên khan hiếm, việc các doanh nghiệp lớn huy động thành công vốn ngoại đã chứng tỏ được năng lực và vị thế. Trong ảnh là cửa hàng bán lẻ đa tiện ích của Masan - Ảnh: MSN
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) vừa công bố vào hôm nay 29-11, về việc đã được giải ngân thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD.
Giao dịch này được sắp xếp bởi hàng loạt định chế tài chính lớn như BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC và Standard Chartered Bank. Đồng thời được bảo lãnh phát hành và thu hút 37 tổ chức tài chính quốc tế đăng ký vượt mức.
Phía Masan cho biết, giao dịch trị giá 600 triệu USD kể trên là khoản huy động hợp vốn nước ngoài có kỳ hạn 5 năm và có giá trị lớn trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Khoản vay bằng USD có lãi suất khoảng 6,7% mỗi năm, bao gồm lãi suất 2,9% cộng với lãi suất tham chiếu SOFR (lãi suất qua đêm có bảo đảm).
Như vậy, khoản vay vừa được giải ngân có biên độ trên lãi suất tham chiếu giảm 35 điểm cơ bản so với khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD hoàn thành vào năm 2020. Điều này cũng cho thấy mức cải thiện đáng kể. Vì giao dịch trị giá 600 triệu USD này có thời hạn 5 năm, dài hơn so với thời hạn 3 năm của khoản vay được thực hiện vào năm hai năm trước - thời điểm môi trường lãi suất thấp hơn.
Trong bối cảnh lãi suất tăng, việc tăng vay bằng USD có dẫn đến rủi ro ngoại hối lớn hơn. Do đó, Masan cho biết sẽ chủ động theo dõi và đánh giá thời điểm thích hợp để thực hiện các giao dịch phái sinh nhằm giảm thiểu rủi ro thị trường và vẫn duy trì chi phí vốn một cách tối ưu.
"Các điều khoản tín dụng có lợi hơn và khả năng tiếp cận vốn mạnh mẽ là nhờ sự cải thiện về kết quả kinh doanh ở các mảng kinh doanh tiêu dùng và bán lẻ cốt lõi", doanh nghiệp này cho hay.
Cụ thể, kể từ khi thành lập The CrownX, nền tảng hợp nhất mảng bán lẻ WinCommerce và tiêu dùng Masan Consumer Holding vào cuối năm 2019, tập đoàn đã cải thiện đáng kể khả năng tạo ra dòng tiền vững chắc của The CrownX.
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của The CrownX dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2019 (giả định hợp nhất WinCommerce và Masan Consumer Holding trong cả năm) với biên EBITDA tăng từ 5,5% lên 13,4% trong cùng kỳ, chủ yếu nhờ mảng kinh doanh bán lẻ cải thiện lợi nhuận kể từ khi được Masan vận hành. Biên EBITDA của WinCommerce dự kiến sẽ tăng 11% vào năm 2022 so với năm 2019.
Các bên cho vay và đối tác quốc tế ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc của Masan và việc đẩy mạnh mở rộng hệ thống bán lẻ có lợi nhuận của công ty.
Vào tháng 11-2022 Masan cũng thực hiện đợt phát hành trái phiếu trị giá 1.700 tỉ đồng với kỳ hạn 5 năm, được các nhà đầu tư đa quốc gia uy tín đăng ký mua. Đây là các tổ chức đang quản lý các quỹ trái phiếu có tổng tài sản (AUM) cao đang hoạt động tại Việt Nam. Trong năm 2022 tập đoàn cũng phát hành thành công 2.500 tỉ đồng trái phiếu trong nước.
Kỳ hạn của tất cả trái phiếu phát hành trong năm 2022 đều là 5 năm, dài hơn so với kỳ hạn 3 năm thông thường của trái phiếu doanh nghiệp tương tự trên thị trường, giúp gia tăng nguồn vốn dài hạn của doanh nghiệp.
Nhờ khả năng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, Masan khẳng định luôn nỗ lực duy trì tỉ lệ đòn bẩy bền vững và vị thế thanh khoản.
Các khoản huy động vốn mới sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tỉ lệ đòn bẩy của tập đoàn, mà giúp tăng đáng kể khả năng thanh khoản nhờ thời hạn khoản vay dài hơn và hiệu quả hoạt động được cải thiện.
Tính đến tháng 11 này, doanh nghiệp đã trả hết toàn nợ vay và lãi vay năm nay trị giá 6.915 tỉ đồng và còn trả trước hạn 6.660 tỉ đồng nợ đáo hạn vào năm 2023.