Theo đó, ứng dụng Muyu hay “Wooden Fish” - Cá gỗ đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 2 trong danh sách tải xuống miễn phí của App Store tại Trung Quốc. Đến nay, lượng sử dụng đã gần đạt 5 triệu lượt.
Trên Douyin, có hơn 150 triệu video liên quan đến chuông mõ ảo. Nếu tìm kiếm từ khóa này trên trang web phát video trực tuyến phổ biến Bilibili, các kết quả hàng đầu đều hiển thị hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu lượt xem.
Các ứng dụng giả lập mõ ban đầu được sử dụng như một cách để giảm bớt cảm giác tội lỗi. Nếu lỡ làm điều gì sai trái, người dùng có thể dùng nó để tích lũy công đức.
Gõ mõ để tìm sự thanh thản
Wang Bin (24 tuổi) thường xuyên bất mãn với những yêu cầu vô lý của nhà tuyển dụng. Mỗi khi tức giận, cô sẽ lấy iPad ra và bắt đầu chăm chú gõ vào màn hình bằng bút cảm ứng.
Khi chạm vào chiếc mõ, âm thanh thanh tịnh sẽ vang lên kèm theo dòng chữ "Merit +1" hiện trên màn hình. Wang Bin gõ mõ trực tuyến 500 lần/ngày.
Giới trẻ tích điểm sau mỗi lần gõ mõ và coi đó là cách tích lũy công đức - Ảnh: Sixth Tone
Những tuần sau đó, Wang vẫn tiếp tục với công việc của mình. Trong các bữa cơm với gia đình, chủ đề việc làm “đóng băng” chiếm phần lớn thời gian trò chuyện. Cô đã nộp 2 bản lý lịch cá nhân nhưng việc kiếm được một chỗ làm tốt hơn vẫn là điều rất khó nói.
Mẹ Wang biết một nhà tuyển dụng và ngỏ ý giúp đỡ con gái. Tại thời điểm đó, cô nghĩ rằng có lẽ tích lũy thêm một chút công đức cũng không phải là một ý tưởng tồi.
Cá gỗ là vật dụng gắn liền với lịch sử lâu đời của Phật giáo và Đạo giáo. Các ni cô và nhà sư sử dụng mõ để tụng kinh hoặc xin khất thực. Loại pháp khí này được tạc hình con cá với dụng ý nhắc nhở các tín đồ đừng bao giờ quên đức tin của mình.
Wang cho biết, không chỉ riêng cô, app Cá gỗ có trên điện thoại của hàng nghìn người trẻ tuổi.
Hu Wan, một sinh viên đại học cũng đang dùng ứng dụng này bày tỏ: "Trong khi mọi người đều cho rằng việc gõ mõ online và đọc Chú Đại Bi là trò đùa, tôi lại nghĩ đây là một nghi lễ đơn giản, thuận tiện, thoải mái".
Trên mạng xã hội, Hu thường đăng tải khoảnh khắc chạm vào chuông ảo và lần chuỗi hạt cầu nguyện trên màn hình điện thoại.
"Lúc đầu, tôi chỉ thấy nó thật buồn cười, nhưng sau đó lại thấy nhịp điệu này khá êm tai. Một số hiệu ứng âm thanh dường như đã thanh lọc tâm hồn tôi, đặc biệt là khi phải hoàn thành bài viết gấp rút. Tiếng vang đó thực sự xoa dịu sự lo lắng của tôi", cô nói.
Xu hướng sám hối "ảo" thúc đẩy các nhà sáng lập
Nhiều người trẻ Trung Quốc hiện nay có thể không quá quan tâm tìm hiểu về Phật giáo. Một nghiên cứu cho thấy chưa đến 7% người dân dưới 30 tuổi nước này xác nhận là Phật tử - nhưng họ đồng ý rằng hình tượng của tôn giáo này gắn với cảm giác bình yên và tĩnh lặng.
Có thể nói Hu là điển hình của một lớp người sử dụng năng lượng Cá gỗ mới. Đây là kết quả khi nhu cầu giải tỏa áp lực của giới trẻ Trung Quốc tăng lên, khi cuộc sống ngày càng khó khăn và dễ khiến mọi người gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Ngoài gõ mõ, người dùng có thể lần tràng hạt trên màn hình điện thoại và đồng hồ thông minh - Ảnh: Sixth Tone
Tận dụng điều này, các nhà phát triển ứng dụng đã bắt kịp với sự thay đổi của thị trường bằng cách tung ra nhiều tính năng cao cấp hơn, cho phép người dùng cạnh tranh với bạn bè của họ để giành được thành tích cao nhất. Giờ đây, họ còn có thể thắp nhang kỹ thuật số, đọc kinh qua loa điện thoại và đếm chuỗi hạt cầu nguyện trên đồng hồ thông minh.
Chẳng hạn, tại ứng dụng mà Wang đang dùng, mọi người được mua thêm hiệu ứng âm thanh và bộ đếm “công trạng”.