Chị Nguyễn Thanh (33 tuổi, Nam Định) chia sẻ sau nhiều năm đi thuê nhà tại Hà Nội, đến nay gia đình chị tích lũy và vay mượn người thân được 800 triệu đồng để tìm mua đất nhằm ổn định nơi an cư. Chị Thanh cho biết đây là lần thứ 2 gia đình chị quay trở lại tìm mua đất sau khi mua hụt vào năm 2020.
Chị Thanh cho hay hồi tháng 4/2020, với gần 400 triệu đồng trong tay vợ chồng chị từng một lần đi tìm mua đất tại khu vực Đồng Mai, Biên Giang, Yên Nghĩa (Hà Đông). Tìm mua đất ở những khu vực này là vợ chồng chị đã chấp nhận đi làm xa từ 13 đến 16km. Tuy nhiên, thời điểm này mảnh đất rẻ nhất được chủ đất và môi giới giới thiệu cho chị là hơn 500 triệu đồng.
Chị Thanh cũng cho biết trong những mảnh đất được giới thiệu đi xem có một mảnh diện tích 40 mét vuông được chủ đất chào giá 14,1 triệu đồng. Vợ chồng chị rất ưng mảnh đất này tuy nhiên với mức giá lên tới 564 triệu đồng khiến chị và chồng chùn tay bởi sẽ phải vay mượn tới gần 200 triệu đồng nữa, trong khi mua đất xong anh chị vẫn phải đi thuê nhà.
Sau một thời gian cân nhắc, gia đình chị dừng kế hoạch mua đất và hy vọng giá đất có thể chững lại để có thể tìm cho mình một nơi an cư phù hợp với số tiền có trong tay.
Chị Thanh thừa nhận với đà tăng giá đất hiện nay không biết đến khi nào gia đình chị mới tìm được nơi an cư ổn định phù hợp với tài chính đang có
Dù tạm dừng kế hoạch tìm mua đất để an cư nhưng thời gian qua chị và chồng vẫn theo dõi những thông tin về giao dịch BĐS ở những khu vực có kế hoạch mua. Tuy nhiên, chị rất bất ngờ khi nhiều hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thì giá đất nhiều nơi lại tăng khiến gia đình chị sốt ruột.
Những ngày đầu tháng 3/2022, sau khi xem lại khoản tiết kiệm và khả năng vay mượn anh em, bạn bè một lần nữa chị Thanh và chồng trở lại kế hoạch tìm mua đất nhằm ổn định chỗ ở.
Trong lần này, thay vì tìm những mảnh đất có giá khoảng 400 triệu như lần đầu tiên, gia đình chị đã nâng kế hoạch tìm đất lên 700 - 800 triệu đồng.
Những tưởng sẽ tìm được mảnh đất phù hợp với yêu cầu tài chính đặt ra, khi đi thực tế chị Thanh và chồng lại bất ngờ với giá đất ở những nơi từng khảo sát trước đây.
Chị Thanh cho biết khi liên hệ với môi giới đặt vấn đề thì nhiều người bảo khi nào có sản phẩm với giá tiền phù hợp sẽ liên lạc trở lại. Trong khi đó, trở lại những khu vực anh chị từng khảo sát năm 2020 thì giá đất tại đây cũng tăng phi mã.
Cụ thể, mảnh đất 33m vuông gần với vị trí mảnh đất 40m vuông chị từng nhận chào giá 14,1 triệu đồng/mét năm 2020 được chủ đất chào giá tới 33,4 triệu đồng. Chị Thanh cho biết đây là mức giá thấp nhất mà chị được chủ đất, môi giới giới thiệu trong những khu vực tìm kiếm khi trở lại tìm mua đất lần này. Trong khi đó, với những mảnh đất với diện tích lớn hơn, vị trí đẹp hơn chị được chủ đất chào giá từ 1,2 đến 2,5 tỷ đồng, mức giá này một lần nữa vượt xa khả năng tài chính của gia đình chị.
Với số tiền 800 triệu đồng có được từ tiết kiệm và vay mượn, gia đình chị vẫn thiếu khoảng 300 triệu đồng nữa để có thể mua được mảnh đất với giá rẻ nhất được chủ đất đưa ra. Nữ nhân viên văn phòng 33 tuổi này cho biết rất bất ngờ với giá đất hiện nay cho dù khu vực này không có nhiều sự thay đổi về dân cư so với thời điểm chị đến tìm mua đất lần đầu vào năm 2020.
Chị Thanh chia sẻ nếu như năm 2020 cố gắng vay mượn để xuống tiền mua mảnh đất hai vợ chồng rất ưng thì đến thời điểm này có thể tiết kiệm tới nửa tỷ đồng. “Với giá đất nhiều nơi tăng chóng mặt như hiện nay, không biết đến khi nào gia đình tôi mới có thể tìm mua được một mảnh đất phù hợp với khả năng tài chính của mình mà không phải vay mượn nhiều”, chị Thanh thừa nhận.
Theo Báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 2/2022 của một chuyên trang lớn về BĐS cho thấy, mức độ quan tâm ở loại hình bán đất tăng 17% so với tháng 1/2022; bán đất nền dự án cũng tăng tới 15%. Cả lượng tin đăng ở hai loại hình này đều tăng và tăng lần lượt ở mức 8% và 6%.
Nguồn cung và nhu cầu tìm kiếm/mua đất, đất nền tăng tại hầu hết các tỉnh, trong đó Hà Nội có mức độ quan tâm loại hình đất tăng 8% và lượng tin đăng tăng nhẹ 1%; TP.HCM có mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán đất lần lượt tăng 18% và 6%; Đà Nẵng có nhu cầu tìm kiếm và lượng tin đăng bán đất lần lượt tăng 32% và 25%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, người mua nhà đất thời điểm này cần phải có bài toán tài chính hợp lý bởi việc sử dụng đòn bẩy ngân hàng giai đoạn này rất rủi ro. Nhất là khi thu nhập của người dân đang bấp bênh do tác động của dịch bệnh.