Trong hội trường 80 m2, bà Xuân Mai, 48 tuổi, là bạn nhảy của ông Ngọc đã đợi sẵn. Họ nhận ra nhau bởi giọng nói và bắt đầu ôn lại điệu cổ điển đã học tuần trước.
"Cố gắng không giẫm chân nhau nữa nhé", ông Ngọc nói.
14h, lớp bắt đầu. Hơn 20 học viên đứng cách nhau gần một mét để khởi động, tránh vấp ngã trong các động tác xoay. Tiếng nhạc vang lên, bà Mai choàng vai ông Ngọc bước tới lui và trái phải theo nhịp đếm. Sau vài phút đầu loạng choạng suýt ngã, họ bắt đầu trụ chân vững để bắt đầu những điệu nhảy.
Khoảng nửa tiếng, huấn luyện viên Trần Quốc Tú cho lớp dừng để mô tả động tác đá chân, anh cho học viên chạm vào người để cảm nhận cách anh nhấc tay, chân và di chuyển.
"Họ là người mù nên rất khó khăn để hình dung phương hướng, tốc độ và các động tác", anh Tú nói.
Lớp khiêu vũ dành cho người mù ra đời từ cuối năm 2023 sau lần anh Tú cùng các đồng nghiệp ở bộ môn Dancesport tổ chức workshop khiêu vũ cho người khiếm thị ở TP HCM. Sau buổi trải nghiệm, rất nhiều học viên bày tỏ mong muốn được học tiếp.
Họ quyết định tổ chức lớp miễn phí ở trụ sở Hội người mù TP HCM. Lớp diễn ra vào chiều thứ 6 hàng tuần, học viên dao động 20-40 người, hầu hết là lao động nghèo như bán vé số, làm massage, đời sống khó khăn.
Lần đầu dạy người khiếm thị nên anh Tú thiết kế giáo án riêng. Người bình thường sẽ nhìn theo huấn luyện viên nhưng ở lớp, anh chỉ mô tả qua tiếng nói. Họ bắt đầu với những động tác cơ bản như lùi sau, tiến lên, qua trái hoặc phải.
Để mọi người dễ hình dung, anh trực tiếp chỉnh sửa tư thế, đề nghị họ chạm vào chân, bụng, tay của mình làm mẫu.
Anh chia nhỏ thời gian học, mỗi điệu nhảy học viên thường học trong một tháng, người khiếm thị mất từ hai đến ba tháng. Những lần ngã, trầy tay, chân và giẫm chân nhau là chuyện thường thấy ở lớp.
Bà Lê Thị Phúc, 52 tuổi, vốn mê nhạc nên đến lớp không bỏ buổi nào suốt một năm qua.
"Người mù như tôi vốn không có nhiều lựa chọn để giải trí", bà nói. "Tập thể dục ở công viên sợ va vào người khác nên lớp này rất thích hợp".
Ban đầu, bà va vào bạn đứng cạnh liên tục hoặc đá trúng cạnh bàn, chân loạng choạng, không biết mình bước đúng hay không. Bà Phúc nói phải tập trung 100% để nghe thầy Tú hướng dẫn và thả lỏng cơ thể theo giai điệu. Đến nay, bà đã thành thục được bốn điệu.
Chị Ngọc Trang, 38 tuổi, là nhân viên ở cơ sở massage khiếm thị ở quận 1, TP HCM. Trang xin đổi ca để được trống thời gian vào mỗi chiều thứ 6 tập nhảy.
"Ban đầu, người tôi cứng như khúc củi", Trang nói. Ba tháng trôi qua, cô bắt đầu bước đi uyển chuyển theo bạn nhảy khiến ai cũng bất ngờ.
Là người mù bẩm sinh, Trang nói ngại đến nơi đông đúc hoặc giao tiếp với người lạ. Nhờ lớp khiêu vũ, cô cảm thấy giải tỏa tâm lý, tự tin hơn. Ở lớp, cô kết thân được nhiều bạn bè cùng đam mê.
Ông Đỗ Hữu Trường Giang, Phó chủ tịch Hội người mù TP HCM, cho biết lớp học khiêu vũ đã mang lại niềm vui tinh thần cho đời sống người khiếm thị.
Hội đã hỗ trợ không gian lớp học, thêm trái cây, bánh ngọt và nước uống giờ nghỉ trưa. Học viên ở độ tuổi 30-60 tuổi, đa số là người lao động, bận rộn mưu sinh nhưng vẫn đến lớp đều đặn.
"Họ có thêm không gian sinh hoạt và đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần", ông Giang nói.