Thị trường mua bán sáp nhập (M&A) Việt Nam vẫn luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng, là nơi có thể đặt niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng và cơ hội đầu tư.
“Mặc dù, còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt nhưng hoạt động M&A sẽ sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ sớm trở lại và các thương vụ M&A sẽ nhộn nhịp trở lại”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm kỳ vọng.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm thông tin, thị trường M&A Việt Nam đang có xu hướng chậm lại khi 10 tháng năm 2024, chỉ có 2.669 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD, giảm 10,4% về số lượt và giảm 29% về giá trị so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Tâm, sự trầm lắng này chỉ là vấn đề mang tính thời điểm và xu hướng chung của thị trường toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch và biến động địa chính trị trên thế giới.
Theo số liệu của Dealogic, các thương vụ M&A được công bố trên toàn cầu tính tới ngày 25/9/2024 đạt 846,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, giá trị thương vụ M&A tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, đạt 273 tỷ USD nhờ một số thương vụ giá trị lớn.
Tuy nhiên, trong bình diện chung đó, khối lượng và giá trị giao dịch trong khu vực Đông Nam Á lại khá ảm đạm. Dù lãi suất được điều chỉnh giảm và các chính sách tiền tệ phù hợp được ban hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song ảnh hưởng từ những thách thức toàn cầu lẫn khu vực, các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn thận trọng và hạn chế các hoạt động M&A.
Chia sẻ về bức tranh thị trường M&A Việt Nam 2024, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, ông Nguyễn Công Ái cho biết: Thị trường M&A trong nước suy giảm theo xu hướng toàn cầu.
Dù hoạt động giao dịch trong 2024 vẫn đang diễn ra một cách thận trọng dưới nhiều thách thức nội tại cũng như toàn cầu, các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng lâu dài vẫn hiện hữu tại Việt Nam.
Bên cạnh các lĩnh vực đầu tư chủ chốt như bất động sản, tiêu dùng, công nghiệp… đã xuất hiện những ngành mới lạ, hấp dẫn như: công nghệ thông tin, công nghệ và tài chính.
Riêng Việt Nam, theo tổng hợp từ KPMG, thị trường M&A trong 9 tháng vẫn đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỷ USD tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2023 với hơn 220 thương vụ (so với mức giảm 11,3% trong tổng giá trị giao dịch của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines); trong đó, giá trị trung bình của thương vụ là 56,3 triệu USD và giá trị cao nhất của thương vụ là 982 triệu USD. Và 88% giá trị giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế dự báo: Trong năm 2025, thị trường M&A sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn với các giao dịch tạm hoãn trước đây có khả năng trở lại. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, vốn từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam dự kiến sẽ quay trở lại từ năm 2025.
Theo đó, các giao dịch được thúc đẩy bởi niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế ổn định của Việt Nam và các chính sách chủ động, sâu rộng từ Chính phủ. Đặc biệt, các ưu đãi thuế, cải cách quy định kinh doanh, và hỗ trợ chiến lược cho các ngành có tốc độ tăng trưởng cao không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là các chính sách thực tế nhằm định vị Việt Nam là một thị trường hấp dẫn cho dòng vốn xuyên biên giới.
Kết hợp với trọng tâm phát triển hạ tầng và số hóa, các yếu tố này có thể tạo động lực lớn thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam và trở thành điểm sáng của ngành tại Đông Nam Á.
Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực tiềm năng như: bất động sản, bán lẻ, công nghệ, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính và logistics, kết hợp với trọng tâm phát triển hạ tầng và số hóa… các yếu tố này có thể tạo động lực lớn thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam và Việt Nam trở thành điểm sáng của thị trường M&A tại khu vực Đông Nam Á.
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Kim Oanh Group, cho biết năm 2024, đơn vị đã hợp tác với 4 tập đoàn của Nhật Bản.
Khi hợp tác với 4 đối tác Nhật Bản thì cũng gặp khó hơn, vì họ yêu cầu rất nhiều việc chi tiết, yêu cầu khó khăn mà thị trường Việt Nam chưa có.
Ông Phạm Duy Khương, luật sư điều hành, Công ty Luật ASL, cho biết, sự khắt khe, chặt chẽ pháp lý của nhà đầu tư Nhật Bản là đặc trưng… Vì vậy, bên bán cần chuẩn chỉnh hồ sơ nếu có đối tác bên mua của Nhật Bản.
Với những kỳ vọng về thị trường M&A, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhận định: Kinh tế - xã hội năm 2024 đã cơ bản phục hồi, và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7%.
Từ đó, tạo nền tảng quan trọng để bước vào năm 2025 với khí thế, niềm tin vào sự tăng tốc, bứt phá của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong thành tựu chung của nền kinh tế trong năm 2024, thu hút đầu tư nước ngoài là một điểm sáng. Trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã thu hút được gần 27,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (tăng 1,9% so với năm trước), thực hiện khoảng 19,6 tỷ USD (tăng 8,8%).
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực như bán dẫn, năng lượng như sản xuất pin, tế bào quang điện, sản xuất linh kiện... được đầu tư mới hoặc mở rộng vốn.
“Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để nắm bắt cơ hội không thể tốt hơn trong thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp tiên phong như: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch... và khẳng định sự sẵn sàng cho sự phát triển của các ngành này đối với thị trường M&A”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh.