Vào khoảng đầu thế kỷ 17, bình minh của thời kỳ Edo, lo sợ ảnh hưởng của nước ngoài thông qua hoạt động truyền giáo, chính quyền Nhật Bản khi đó là Mạc phủ Tokugawa đã ban bố chính sách "Sakoku" bế quan tỏa cảng để ngăn người nước ngoài vào trong nước và ngăn người Nhật rời xứ sở.
Về mặt ngoại giao và ngoại thương, Nhật Bản thời kỳ đó gần như hoàn toàn nội bất xuất, ngoại bất nhập và kéo dài tới tận năm 1868 khi triều đại Minh Trị khởi đầu, tức hơn 200 năm.
Mặc dù chính sách này đã bóp nghẹt giao lưu văn hóa của xứ sở Phù Tang với các quốc gia khác, theo The Conversation, nó lại cho phép nền văn hóa, phong tục và lối sống độc đáo của đất nước mặt trời mọc phát triển một cách riêng biệt, phần lớn trong số đó đã được ghi lại trong các loại hình nghệ thuật vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay như thơ haiku hoặc kịch sân khấu kabuki.
Một nền kinh tế tự cung tự cấp nhưng hiệu quả
Điều đó cũng có nghĩa là người Nhật Bản, sống dưới một hệ thống hạn chế giao lưu thương mại chặt chẽ, phải hoàn toàn dựa vào các nguyên liệu đã có sẵn trong nước, tạo ra một nền kinh tế chú trọng tái sử dụng và tái chế đang trên đà phát triển mạnh.
Trên thực tế, Nhật Bản đã tự cung tự cấp về tài nguyên, năng lượng và lương thực nhưng vẫn duy trì dân số lên tới 30 triệu người, hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc phân bón hóa học - con số ấn tượng với một đảo quốc bị cô lập, có 80% diện tích là đồi núi.
Người dân thời Edo có lối sống mà ngày nay được gọi là "sống chậm", một tập hợp các thực hành sinh hoạt bền vững dựa trên việc tiết chế sự lãng phí một cách tích cực. Ngay cả ánh sáng cũng không bị bỏ phí - các hoạt động hàng ngày bắt đầu lúc mặt trời mọc và kết thúc lúc mặt trời lặn.
Quần áo thì được may vá và tái sử dụng nhiều lần cho đến khi chúng không còn có thể sử dụng được nữa. Tro cốt và chất thải được tái sử dụng làm phân bón, dẫn đến việc kinh doanh phát đạt cho những người thu thập loại chất này và bán cho nông dân. Có thể gọi đây là một nền kinh tế tuần hoàn sơ khai.
Tranh vẽ cảnh sinh hoạt, giặt quần áo thời Edo.
May mắn là dù áp dụng khá triệt để tỏa quốc nhưng chính quyền Tokugawa ý thức rất rõ tình hình kinh tế của một đất nước Đông Á thời tiền công nghiệp, còn dựa nhiều vào nông nghiệp. Mạc phủ đẩy mạnh chính sách khai hoang, chống lãng phí đối với cả đất đai, nhất là diện tích đất canh tác được mở rộng và khai hoang không ngừng.
Cộng thêm việc cải thiện hệ thống thủy lợi, nền nông nghiệp Nhật trong thời kỳ này vẫn đủ sức tạo ra sản lượng nuôi sống hàng chục triệu nhân dân.
Hơn nữa, việc tiếp tục chú trọng phát triển công thương nghiệp, thủ công trong một xã hội khá chăm chỉ và nền hòa bình lâu dài đã tạo điều kiện cho kinh tế hàng hóa phát triển, đóng vai trò tích lũy tài sản cho sự xuất hiện của một giai cấp mới trong thời Edo - giai cấp tư sản cũng như tầng lớp nông dân giàu có, làm động lực cho Minh Trị Duy Tân.
Hòa thuận với thiên nhiên
Một đặc điểm khác của cuộc sống chậm là cách sử dụng lịch và cách đo đạc thời gian theo mùa. Ở các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Đông Á và Nhật Bản thời tiền hiện đại, 12 con giáp (tiếng Nhật được gọi là juni-shiki) là cách phổ thông được sử dụng để chia 1 ngày thành 12 canh giờ, mỗi canh giờ gần bằng 2 giờ hiện đại.
Trong thời kỳ Edo, hệ thống đó đã được sử dụng để chia thời gian giữa lúc mặt trời mọc và mặt trời lặn thành 6 giờ can chi. Do đó, một giờ can chi có độ dài rất đa dạng tùy thuộc vào việc nó được đo vào mùa hè, mùa đông, đêm hay ngày (nhất là ở một nước nằm ở vĩ độ cao như Nhật). Ý tưởng điều chỉnh cuộc sống bằng các đơn vị thời gian không thay đổi như phút và giây hiện đại chỉ đơn giản là không tồn tại.
Bức tranh khắc họa ga Kōnosu-shuku trên đường thiên lý Edo - Kyoto đầu thế kỷ 19.
Thay vào đó, người Edo - vốn không sở hữu đồng hồ - đo đạc thời gian bằng âm thanh của những chiếc chuông được lắp đặt trong các lâu đài và đền thờ. Việc cho phép thế giới tự nhiên điều khiển cuộc sống theo cách này đã làm phát sinh sự nhạy cảm với các mùa và tính phong phú, tự nhiên, dồi dào của chúng, giúp phát triển một tập hợp các giá trị văn hóa thân thiện với môi trường.
Từ giữa thời kỳ Edo trở đi, các ngành công nghiệp, thủ công tại nông thôn - bao gồm vải bông và sản xuất dầu, nuôi tằm, làm giấy và sản xuất rượu sake hay tương miso - bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Người dân tổ chức các lễ hội theo mùa với nhiều loại thực phẩm địa phương phong phú và đa dạng, cầu mong sự màu mỡ trong mùa hoa anh đào nở và tỏ lòng biết ơn những vụ thu hoạch thu.
Hệ thống xã hội độc đáo, thân thiện với môi trường này ra đời một phần do sự cấp thiết, nhưng cũng do kinh nghiệm văn hóa sâu sắc của việc sống gần gũi với thiên nhiên. Điều này cần được tiếp thu trong thời đại hiện đại để đạt được một nền văn hóa bền vững hơn - và có một số hoạt động hiện đại mà người Nhật vẫn thực hành có thể giúp ích.
Ví dụ như zazen, hay "ngồi thiền", là một phương pháp thực hành từ Phật giáo có thể giúp mọi người tạo ra một không gian yên bình và tĩnh lặng để trải nghiệm những cảm giác của thiên nhiên. Ngày nay, một số ngôi chùa thành thị vẫn đang tổ chức các buổi thiền định cho công dân.
Ví dụ thứ hai là "tắm trong rừng" (shinrin-yoku), một thuật ngữ do lãnh đạo cơ quan lâm nghiệp của Nhật Bản đặt ra vào năm 1982. Có nhiều kiểu tắm trong rừng khác nhau hiện nay, nhưng hình thức phổ biến nhất là dành thời gian không sử dụng thiết bị điện tử để đắm mình trong sự yên bình của một khu rừng.
Những hoạt động như thế có thể giúp phát triển sự trân trọng đối với vẻ đẹp của thiên nhiên, từ đó có thể đưa chúng ta đến một lối sống bền vững hơn - một lối sống mà cư dân thời Edo tại Nhật Bản đã đánh giá cao.
Trong thời đại mà nhu cầu về lối sống bền vững hơn đã trở thành một vấn đề toàn cầu, chúng ta có thể tôn trọng sự khôn ngoan của người Edo, những người sống với khung thời gian thay đổi theo mùa, trân trọng vật liệu và đề cao tái chế.
Nguồn: The Conversation, tổng hợp