Tỷ giá đồng USD đang diễn biến thất thường. Trong ngày thứ Tư (17/8), đồng USD tăng mạnh sau khi biên bản họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các lãnh đạo của Fed lo ngại rằng ngân hàng Trung ương Mỹ có thể đã tăng lãi suất quá mạnh. Sang ngày thứ 5 (18/8), các nhà đầu tư đã bình tĩnh xem xét lại những diễn giải trong biên bản, theo đó tập trung vào khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ để ngăn chặt lạm phát. Tuy nhiên, đồng USD không những không giảm mà vẫn tiếp tục tăng.
Joseph Trevisani, nhà phân tích cấp cao thuộc FXStreet.com, trụ sở ở New York, cho biết: "Những lời hùng biện của Fed đã được hầu hết mọi thành viên ủng hộ - chúng ta phải tăng lãi suất…Chúng ta phải tăng lãi suất… và Lãi suất sẽ tăng cao hơn".
Bên cạnh đó, biên bản họp cũng đề cập đến một khía cạnh quan trọng trong cuộc thảo luận của Fed về hành động trong những tháng tới - khi nào nên giảm tốc độ tăng lãi suất.
"Ngoại trừ phần nói về tốc độ tăng lãi suất chậm lại, phần còn lại của biên bản đều chứng tỏ thái độ rất "diều hâu" của các quan chức Fed", Win Thin, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu của Brown Brothers Harriman cho biết. Các quan chức của Fed nhận thấy cho đến cuối tháng 7 vẫn có "ít bằng chứng" chứng tỏ áp lực lạm phát của Mỹ đang giảm bớt.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 18/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,24% lên 106,88.
Trong nước, tỷ giá trung tâm hôm thứ 5 (18/8) được Ngân hàng Nhà nước duy trì mức niêm yết 23.192 VND/USD, không thay đổi so với phiên liền trước. Trên thị trường chợ đen, giá USD ngày 18/8 cũng duy trì ở mức 23.930 - 23.980 VND (mua vào - bán ra).
Đồng euro EUR đã giảm 0,35% trong cùng thời điểm so với đồng USD, xuống 1,0142 USD, trong khi USD giảm nhẹ 0,11% so với yen Nhật, xuống 134,92 JPY.
Tỷ giá các đồng tiền đối tác chủ chốt.
Tỷ lệ đặt cược của thị trường vào khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 tới đã giảm xuống 35% sau khi biên bản họp được công bố, so với mức 52% trước khi biên bản được công bố; trong khi tỷ lệ đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản hiện là 65%.
Tuy nhiên, lạm phát giá tiêu dùng và dữ liệu việc làm của Mỹ trong tháng 8, sẽ công bố trước kỳ họp tháng 9 của Fed, có thể sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng lãi suất.
Cuộc họp tháng 9 cũng sẽ đưa ra thông tin mới về việc các quan chức Fed dự kiến lãi suất sẽ tăng đến mức nào. Các nhà giao dịch nhìn chung cho rằng lãi suất tham chiếu của Mỹ sẽ được điều chỉnh tăng lên mức 3,65% vào tháng 3/2023. Tuy nhiên, ông Trevisani dự kiến Fed sẽ tăng lên khoảng 4%, cho rằng kể cả tăng lên mức đó cũng không đủ để chế ngự giá cả - đang tăng với tốc độ 8,5% (so theo năm).
Trong khi đó dữ liệu vừa công bố thứ Năm (18/8) cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối mạnh. Chỉ số sản xuất tháng 8 do Cục Dự trữ Liên bang Philadelphia công bố đã tăng lên 6,2, so với mức âm 12,3 trong tháng 7. Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới cũng giảm vừa phải trong tuần trước.
Đồng bảng Anh giảm 0,27% trong phiên vừa qua, xuống còn 1,2018 USD, do các nhà giao dịch lo ngại lạm phát ở Anh tăng cao đồng nghĩa với việc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ phải nâng lãi suất lên cao hơn nữa, và điều đó sẽ khiến nền kinh tế Anh yếu đi.
Các số liệu lạm phát mới nhất, được công bố vào thứ Tư (17/8), ở mức trên 10%, làm gia tăng tăng áp lực lên BoE trong việc buộc phải ưu tiên cho việc giảm giá cả, đồng thời cũng làm gia tăng lo ngại kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.
Đồng bảng Anh lúc kết thúc ngày 18/8 theo giờ Việt Nam giảm 0,1% so với đồng USD, xuống 1,204 USD/GBP, trước đó có lúc xuống chỉ 1,1995 USD. Tuy nhiên, so với đồng euro, bảng Anh tăng lên 84,39 pence.
Lạm phát của Anh đã tăng lên mức kỷ lục mới trong 40 năm qua do giá lương thực tăng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này. Theo đó, số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 17/8 cho thấy CPI của Anh trong tháng 7/2022 tăng lên 10,1%, từ mức 9,4% trong tháng 6.
Đầu tháng này, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát có thể lên tới trên 13%, mức cao nhất kể từ năm 1980, có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài đến cuối năm 2023.
Nhân dân tệ của Trung Quốc dao động gần mức thấp nhất trong vòng 3 tháng so với đồng USD do DXY mạnh lên sau biên bản cuộc họp của Fed.
Việc thắt chặt tiền tệ của Fed có thể nâng giá đồng đô la Mỹ tăng thêm nữa và gây áp lực lên các đồng tiền chủ chốt khác, vì tiền sẽ chảy vào các tài sản bằng USD. Thái độ "diều hâu" đó đặc biệt gây tổn hại cho đồng nhân dân tệ, trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) chuẩn bị thực hiện các bước nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nữa để hỗ trợ nền kinh tế đang chao đảo, bất chấp nguy cơ lạm phát gia tăng và dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc.
Đồng nhân dân tệ giao ngay trên thị trường nội địa kết thúc ngày 18/8 giảm 58 pip xuống 6,7863 CNY/USD, không xa mức thấp nhất 3 tháng, là 6,7798 CNY chạm tới hôm thứ Ba (16/8).
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục biến động theo xu hướng giảm, kết thúc ngày 18/8 theo giờ Việt Nam ở mức 23.375 USD.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, thị trường tiền kỹ thuật số khó lòng duy trì mức tăng ổn định do đang thiếu những động lực vững chắc. Các yếu tố bất ổn vĩ mô, quyết tâm kiềm chế lạm phát của Fed…đang tạo ảnh hưởng tiêu cực đến những tài sản rủi ro như tiền số.
Giá bitcoin ngày 18/8.
Giá vàng hồi phục trong phiên vừa qua, kết thúc chuỗi 3 phiên giảm trước đó, do lợi suất trái phiếu kho bạc giảm, nhưng mức tăng bị hạn chế bởi đồng USD mạnh lên trong khi các nhà đầu tư tìm kiếm nhiều tín hiệu kinh tế hơn nữa để xem mức độ ảnh hưởng đến việc tăng lãi suất.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 18/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,2% lên 1.763,85 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,1% lên 1.777,50 USD/ounce.
Trên thị trường trong nước, giá vàng SJC phiên này ổn định ở mức 66,20 - 67,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) như phiên liền trước.
Chiến lược gia hàng hóa của TD Securities Daniel Ghali cho biết lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm có thể thúc đẩy sự gia tăng quan tâm đến vàng.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk