Cách trung tâm TP Hà Nội hơn 20km về phía Nam, chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Văn Bản – người duy nhất ở làng mộc Thượng Cung (thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) còn bảo tồn truyền thống làm khuôn bánh Trung thu bằng gỗ.
Dù đã gần 60 tuổi nhưng hơn 40 năm qua, ông Bản vẫn vững tay đẽo đục, gìn giữ và bảo tồn nghề được coi là “cổ lỗ sĩ” là làm khuôn bánh Trung thu bằng gỗ, nhất là khi những chiếc khuôn nhựa Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Bản, khuôn nhựa Trung Quốc có đủ kích cỡ, giá thành rất rẻ, song điểm khác biệt giữa chúng với các loại khuôn truyền thống là hoa văn, họa tiết truyền thống và đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những họa tiết của khuôn bánh được vẽ phác thảo trước khi được người thợ lành nghề này đục đẽo, tạo hoa văn, họa tiết.
Từ một khúc gỗ trở thành một chiếc khuôn bánh thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, từ xẻ gỗ, xử lý chống ẩm để gỗ không bị hỏng, cắt phôi theo yêu cầu của khách, mài nhẵn, bôi mực rồi tẩm dầu mỡ.
Gỗ làm khuôn bánh Trung thu truyền thống là gỗ xà cừ hoặc tần bì xử lý sạch, phơi thật khô để tránh bị co ngót, nứt nẻ trong quá trình sử dụng.
Công đoạn khó và tốn nhiều thời gian nhất, được làm hoàn toàn thủ công là công đoạn đục đẽo tạo hình trong khuôn. Điều này đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mỉ, sáng tạo và cẩn thận trong từng đường nét.
“Khi xã hội ngày càng phát triển, sự hỗ trợ của công nghệ máy móc giảm bớt sự vất vả của người thợ nhưng riêng công đoạn điêu khắc thì phải làm thủ công. Mỗi tác phẩm đều thể hiện dấu ấn văn hóa riêng biệt và cả cá tính riêng của từng nghệ nhân điêu khắc”, ông Bản bày tỏ.
Với các mẫu khuôn thông thường, ông Bản mất khoảng 3 giờ để hoàn thành, trong khi với những mẫu được khách hàng đặt riêng, ông có thể mất hàng tuần đến cả tháng để làm. Ông ăn, ngủ và sống cùng những bản mộc khắc gỗ.
Ông Bảo kể, hơn 40 năm làm nghề, chiếc khuôn có thể đóng được 1 tạ bột là sản phẩm làm ông Bản đau đáu và mất tới 1 tháng để hoàn thành cho khách hàng trong TP.HCM.
Theo ông Bản, khách hàng chỉ gửi hình qua zalo để đặt hàng. Hình ảnh chỉ là màn phẳng thôi, nhưng bản thân ông phải mày mò tìm cách làm sao làm cho ra được họa tiết đó, nét nào chạm trước, nét nào chạm sau. Tiếp đến là độ cong, nông sâu thế nào cho mềm mại mà họa tiết lại sắc nét…
Cũng theo ông Bảo, vì để tâm quá nhiều đến sản phẩm, nên có lúc đang nằm ngủ, nghĩ ra được gì đó, ông lại bật dậy phác họa lại ngay.
“Có lúc tôi đang ngủ chợt nghĩ ra gì đó lại phải bật dậy phác họa luôn. Sau khi hoàn thành xong chiếc khuôn to phải 2 người mới khênh nổi bản thân cảm thấy rất phấn khởi và đặc biệt là sự hài lòng của khách hàng”, ông Bản kể.
Mỗi dịp Trung thu, ông Bản làm khoảng 200-300 khuôn bánh. Giá khuôn dao động 150.000 – 500.000 đồng/chiếc, tùy kích cỡ. Những khuôn bánh lớn, cầu kỳ có giá lên đến hàng triệu đồng.
Yêu nghề, gắn bó với nghề vì đam mê. Trung bình mỗi ngày, ông Bản dành gần 20 tiếng đồng hồ cho công việc. Vào vụ Tết Trung thu hay khi có khách hàng cần gấp, ông phải làm việc đến 3 giờ sáng rồi chợp mắt đến 6 giờ sáng lại dậy làm để kịp trả đơn hàng cho khách.
Khi được hỏi về sự mai một của nghề truyền thống này, ông Bản tâm sự: “Nghề này được ông bà truyền lại thì bản thân tôi cố gắng giữ gìn. Nay cũng đã quá nửa đời người, tôi cố gắng cũng là để bảo tồn lại cho con cháu sau này”.
Khi có nhiều đơn hàng, con cháu cũng giúp đỡ ông nhiều khâu, chỉ duy nhất khâu điêu khắc thủ công là ông phải đích thân làm để còn ổn định chất lượng, giữ uy tín với khách hàng
“Tôi chết hụt 2 lần rồi. Một lần khi còn nhỏ, tôi và ông anh họ cùng bị một con chó dại cắn và cùng chữa trị như nhau nhưng tôi sống, anh tôi mất. Lần thứ hai cách đây hơn 20 năm, tôi bị sét đánh cháy sém một bên tay và mặt. Đưa vào viện, bác sĩ cũng khuyên người nhà đưa về nuôi “báo cô” được thôi. May mắn ông trời lại cho tôi sức khỏe, cho tôi cầm lại được cây búa, cái đục để làm nghề. Vì thế, nếu còn sống ngày nào, tôi còn yêu nghề, trân trọng nghề, truyền dạy cho con cháu ngày ấy”, ông Bản chia sẻ.