Tổng quan kết quả kinh doanh (KQKD) toàn thị trường, lợi nhuận sau thuế (LNST) của cả hai nhóm tài chính và phi tài chính đạt 102.434 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm phi tài chính giảm 22,06% nhưng nhóm tài chính lại tăng 5,06% nhờ vào sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm ngành chứng khoán.
Nhóm phi tài chính tiếp tục có quý thứ ba duy trì lợi nhuận thấp, khi giảm gần 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Vinhomes (Mã: VHM) dẫn dắt đà hồi phục lợi nhuận nhóm này, đóng góp 17,1% cho LNST nhóm phi tài chính. Cụ thể, lãi sau thuế của VHM đạt 9.714 tỷ đồng trong quý II và kéo lại đà giảm lợi nhuận của các ngành phi tài chính khác.
Đánh giá KQKD theo nhóm ngành, thống kê của WiGroup cho thấy ngành phát triển bất động sản và môi giới chứng khoán dù trong giai đoạn khó khăn của thị trường nhưng LNST của ngành vẫn tăng lần lượt là 71,8% và 390,7% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, ba ngành có KQKD gây thất vọng là bán lẻ, dịch vụ viễn thông giảm hơn 100% so với cùng kỳ (sức tiêu dùng của người dân sụt giảm) và hóa chất giảm 62,7% so với năm 2022 (giá phốt pho và phân bón giảm sâu).
Quý II, doanh thu thuần của khối sản xuất, thương mại (SX, TM) đã có sự phục hồi nhẹ (tăng 7,7% so với quý I).
Sau khoảng thời gian chứng kiến biên lãi gộp và biên lãi ròng sụt giảm mạnh trong quý IV/2022 thì nửa đầu năm 2023 đã có sự phục hồi và duy trì ở mức ổn định, dù vẫn thấp hơn so với mức trung bình quá khứ.
Sự phục hồi của khối SX, TM đến từ giá nguyên vật liệu đầu vào hạ nhiệt, giá bán đầu ra của một vài sản phẩm có sự cải thiện và các doanh nghiệp khối SX, TM không còn ghi nhận các chi phí liên quan đến trích lập dự phòng hàng tồn kho và lỗ tỷ giá. WiGroup cho rằng xu hướng cải thiện này vẫn diễn ra vào hai quý cuối năm.
Tăng trưởng LNST toàn khối SX, TM tiếp tục đà giảm khi so sánh với cùng kỳ 2022, giảm khoảng 37,3%. Nhưng nếu so sánh với quý I, LNST lại ghi nhận tăng khoảng 12,2%.
Như đã đề cập ở trên sự phục hồi này có sự đồng thuận của cả doanh thu và biên lãi cải thiện. Trong đó, top 10 ngành có đóng góp LNST lớn nhất vào LNST chung toàn khối SX, TM đa số có mức giảm trên 20% so với cùng kỳ. Chỉ riêng 4 ngành tăng trưởng dương, trong đó cơ sở hạ tầng giao thông và phần mềm có mức tăng trưởng hai chữ số, lần lượt đạt 19,2% và 17,8%.
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của chính gần như đi ngang so với quý I, cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi chưa thực sự cải thiện. Wigroup dự báo hoạt động kinh doanh chính có thể tăng rõ rệt hơn từ quý II trở đi.
Riêng lợi nhuận từ hoạt động tài chính không còn ghi nhận lỗ lớn. Bóc tách sâu vào hoạt động tài chính cho thấy sự tích cực này đến từ doanh thu tài chính tăng và chi phí tài chính giảm (do không còn ghi nhận lỗ tỷ giá lớn như những quý trước đó).
Nguồn: WiGroup.
Cơ cấu nợ vay quý II của khối SX, TM không có nhiều thay đổi so với quý I, các doanh nghiệp đang cố giữ mức đòn bẩy ở mức an toàn trong bối cảnh lãi suất vay bình quân cao như hiện nay. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 0,58 lần cuối quý II.
Chi phí lãi vay trong quý II tiếp tục tăng do lãi suất vay bình quân trong kỳ cao, dù đã có định hướng giảm lãi suất cho vay nhưng sẽ có độ trễ giữa các kỳ hạn. WiGroup dự phóng lãi suất cho vay bình quân khối SX, TM sẽ giảm khoảng 1 điểm phần trăm so với quý II, từ đó giúp cho chi phí lãi vay các doanh nghiệp giảm khoảng 3.392 tỷ đồng, phần nào đó giúp cho các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí lãi vay và hỗ trợ đà phục hồi lợi nhuận.
Đơn vị này đánh giá lợi nhuận hai quý cuối năm 2023 của khối SX, TM sẽ tiếp tục có sự phục hồi nhẹ và thậm chí đến quý IV có thể ghi nhận tăng trưởng dương do LNST quý IV cùng kỳ ở nền lợi nhuận thấp.
Tuy nhiên, dự phóng LNST năm 2023 của khối SX, TM có thể ghi nhận tăng trưởng âm và giảm khoảng 14,5% so với năm 2022 và mức PE forward 2023 của toàn khối đạt mức 16,8 lần.