Đầu tháng 8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành - thông báo Liên danh Vietur đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách (gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng).
Liên danh Vietur gồm 10 doanh nghiệp, đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas thuộc IC Holding. Đây là một trong những nhà thầu xây dựng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động từ năm 1969. Công ty cũng tham gia vào các lĩnh vực năng lượng, du lịch, quản lý sân bay và bến cảng, công nghiệp và cơ sở hạ tầng, y tế với hơn 30 công ty con. Dù có hơn 50 năm kinh doanh, IC Holding hay IC Ictas vẫn chưa niêm yết đại chúng.
Theo số liệu từ Emis - nền tảng nghiên cứu dữ liệu tại 197 quốc gia trên thế giới, trong giai đoạn 2018-2020, doanh thu của IC Ictas tăng liên tục với tốc độ hai chữ số mỗi năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn chưa có lãi khi lợi nhuận ròng vẫn đang âm hàng tỷ lira. Năm 2020, tập đoàn này công bố doanh thu khoảng 17 tỷ lira, 25% đến từ thầu xây dựng nước ngoài ở Nga, Arabia Saudi, Trung Đông và Trung Á.
IC Ictas có kinh nghiệm thi công nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay, đường lăn và các công trình phụ trợ nhà ga. Công ty này từng góp mặt các dự án như sân bay quốc tế Pulkovo ở St. Petersburg (Nga), sân bay King Khaled ở Riyadh (Saudi Arabia) và sân bay Varna Burgas ở Bulgaria. Trong đó, sân bay Pulkovo sau khi xây thêm nhà ga mới, phòng trưng bày phía Bắc và nhà ga Pulkovo 1 được làm mới, đã trở thành một trong những sân bay lớn nhất của Nga. Tuy vậy, cả ba sân bay này đều có công suất thấp hơn sân bay Long Thành. Sân bay Pulkovo có thể đón 17 triệu hành khách, sân bay King Khaled có công suất 12 triệu người và sân bay Varna Burgas khoảng 3 triệu lượt, thấp hơn mức 25 triệu hành khách ở giai đoạn 1 của Long Thành.
Tại quê nhà, IC Ictas tham gia xây dựng và cải tạo các sân bay Antalya, Zafer, Adnan Menderes và Ordu Giresun. Trong đó, Antalya là sân bay lớn thứ ba tại Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ - khu vực giáp biển Địa Trung Hải. Với vị trí địa lý thuận lợi, Antalya đón hơn 31 triệu hành khách, trở thành sân bay bận rộn thứ hai của nước này. Công suất trên cao hơn thiết kế của sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Nhưng ở dự án này, hồi đầu năm, ông Ibrahim Cecen - Chủ tịch IC Holding, bị Đảng Giải phóng Nhân dân của Thổ Nhĩ Kỳ (HKP) cáo buộc tham gia vào kế hoạch hối lộ và tham nhũng để có quyền trúng thầu. Đảng này cho biết, ban đầu IC Holding chuẩn bị đấu thầu tới 5 tỷ USD cho sân bay Antalya, nhưng hồ sơ của họ thiếu một số tài liệu nên bị loại. Cuối cùng IC Holding vẫn trúng thầu với giá 3 tỷ USD nhờ hối lộ Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan một tỷ USD. Tuy nhiên, cáo buộc của HKP không có chứng cứ cụ thể mà chỉ dựa vào lời kể của một người thân cận với tổng thống.
Ngoài IC Holding dẫn dắt, các đơn vị còn lại trong Liên danh Vietur đều là doanh nghiệp nội gồm Ricons, Newtecons, Sol E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, ATAD, Vinaconex, Phục Hưng Holdings, Hawee cơ điện và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội. Trong đó, Ricons, Newtecons và Sol E&C là ba doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương.
Ricons có gần 20 năm hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp và cơ điện. Trong thập niên 2010, doanh nghiệp này thuộc hệ sinh thái xây dựng của ông Nguyễn Bá Dương với Coteccons là thương hiệu dẫn đầu. Khi đó, logo Ricons thường đặt cạnh Coteccons, nhiều dự án Coteccons trúng thầu, chọn Ricons làm nhà thầu phụ và ngược lại. "Đế chế" này nổi tiếng với nhiều dự án bất động sản dân cư lớn khắp cả nước, tiêu biểu nhất là tòa nhà Landmark 81 ở TP HCM.
Sau cuộc "nội chiến" kéo dài từ 2017-2020, ông Dương rút khỏi Coteccons và lập nên hệ sinh thái mới lấy Ricons đứng đầu, cùng các doanh nghiệp khác như Newtecons, SOL E&C, BM Windows, Boho Décor, DB. Hệ sinh thái mới của ông Dương tiếp tục nhận nhiều dự án lớn. Nhưng cả trước hay sau biến cố, nhóm doanh nghiệp này vẫn chưa tham gia xây dựng dự án nào thuộc lĩnh vực hàng không.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2013-2018, doanh thu và lợi nhuận Ricons tăng liên tục và đạt đỉnh lãi hơn 430 tỷ đồng. Sau đó, kết quả kinh doanh có xu hướng đi lùi. Năm ngoái, doanh thu phục hồi nhưng lợi nhuận vẫn dưới mốc trăm tỷ.
Trước đây, Ricons và toàn hệ sinh thái cũ của ông Dương (gồm cả Coteccons) thường được biết đến là "đế chế xây dựng nói không với vay nợ". Tuy nhiên, kết quả kinh doanh những năm gần đây có nhiều biến động. Doanh nghiệp này cũng bắt đầu tìm đến đòn bẩy tài chính, góp phần khiến tổng nợ phải trả thường cao gấp đôi vốn chủ sở hữu. Điểm sáng là vay nợ chiếm tỷ lệ không quá cao trong tổng nợ phải trả nếu so với các doanh nghiệp khác trong ngành.
Bên cạnh Ricons, Liên danh Vietur còn có sự tham gia của Vinaconex (VCG) - một cái tên lớn trong lĩnh vực xây dựng dự án đầu tư công. Công ty có tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động từ năm 1988. Đến cuối năm 2018, Viettel và SCIC mới thoái vốn toàn bộ. Công ty tập trung vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Vinaconex có kinh nghiệm thi công trong lĩnh vực sân bay qua dự án nhà ga T2 Nội Bài, sân bay Phú Bài, sân bay Cam Ranh... Ngoài ra, công ty cũng đang tham gia liên danh đấu thầu gói thầu xây lắp nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với giá trị 9.000 tỷ đồng. Riêng tại dự án sân bay Long Thành, trước đó Vinaconex cùng năm nhà thầu khác đã trúng gói số 4.6 - thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác. Gói thầu này trị giá hơn 8.100 tỷ đồng, lớn thứ hai dự án chỉ sau gói xây dựng nhà ga.
Vinaconex có kết quả kinh doanh không quá ổn định nhưng chưa từng ghi nhận lợi nhuận âm kể từ khi công bố thông tin từ năm 2004 đến nay. Trong 10 năm gần đây, doanh thu của công ty dao động mạnh quanh 5.000-11.000 tỷ đồng, lợi nhuận thấp nhất khoảng 370 tỷ và cao nhất đạt gần 1.630 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, vay nợ của VCG gần như tăng liên tục, với tốc độ khoảng 280% trong giai đoạn 2018-2022. Tính đến cuối tháng 6, đòn bẩy tài chính đã chiếm gần hai phần ba tổng nợ phải trả. Điều này khiến doanh nghiệp phải dành gần 2,4 tỷ đồng mỗi ngày để trả lãi vay trong nửa đầu năm nay.
Một thành viên khác có tiền thân doanh nghiệp Nhà nước trong Liên danh Vietur là Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1). Công ty từng góp mặt trong nhiều dự án nổi bật như nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, nhà máy thủy điện Trị An, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, đường sắt đô thị TP HCM Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Doanh nghiệp này chưa có kinh nghiệm thi công sân bay hay các công trình trong mảng hàng không.
Từ năm 2018 đến nay, doanh thu của CC1 quanh 5.000-6.000 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế có biến động mạnh hơn với đỉnh lãi khoảng 310 tỷ đồng vào năm 2021. Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm ba năm liên tiếp, chủ yếu do chưa lấy được công nợ từ khách hàng và đối tác.
CC1 có tổng nợ phải trả lớn nếu so với vốn chủ sở hữu, thường cao gấp 4-5 lần. Trong đó, đòn bẩy tài chính chiếm đến một nửa số nợ. Năm ngoái, công ty tăng vốn thêm gấp đôi giúp tỷ lệ nợ trên vốn được rút ngắn. Tuy nhiên, CC1 vẫn phải chi hơn một tỷ đồng để trả lãi vay mỗi ngày trong 6 tháng đầu năm nay.
Hai doanh nghiệp niêm yết còn lại trong Vietur là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HAN) và Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC). HAN từng nhận xây lắp nhiều công trình đầu tư công lớn của cả nước, nhưng chưa có dự án nào về lĩnh vực hàng không. Trong khi đó, Phục Hưng Holdings mạnh về xây dựng dân dụng với các dự án bất động sản dân cư lớn. Ở mảng hạ tầng, doanh nghiệp này có một dự án liên quan ngành hàng không là đài không lưu sân bay Tân Sơn Nhất.
Về kết quả kinh doanh thời gian qua, cả hai đều có doanh thu và lợi nhuận khá khiêm tốn so với các thành viên khác trong Vietur. Nhưng HAN có điểm sáng là tỷ lệ nợ trên vốn thấp hơn, trong đó, vay nợ tài chính luôn được giữa ở mức dưới 20% tổng nợ phải trả. Còn PHC "mạnh tay" sử dụng đòn bẩy hơn hẳn khi tổng nợ phải trả thường cao hơn 3-4 lần so với vốn chủ sở hữu, riêng vay nợ tài chính luôn chiếm hơn một nửa.
Ngoài các nhà thầu xây dựng, Vietur có hai doanh nghiệp phụ trách kết cấu thép ATAD và cơ điện Hawee. ATAD là đơn vị chuyên cung cấp giải pháp thiết kế, sản xuất và lắp dựng sản phẩm kết cấu thép cho các dự án công nghiệp và hạ tầng. Công ty từng tham gia thi công nhiều sân bay như Phú Bài, Cam Ranh, Phù Cát, Phú Quốc, Đà Nẵng và Wattay mở rộng - sân bay lớn nhất của Lào.
Còn Hawee là doanh nghiệp chuyên về thiết kế, thi công và bảo hành hệ thống cơ điện (ME). Kinh nghiệm của công ty thường ở các dự án bất động sản cư dân và tòa nhà văn phòng - thương mại.
Gói thầu 5.10 - xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng là hạng mục lớn nhất của dự án sân bay Long Thành. Đợt đấu thầu lần đầu chỉ có một nhà thầu tham gia là Liên danh Coteccons - Vinaconex - Centra - Phục Hưng Holdings - REE - Hòa Bình - Hawee. Liên danh này tập hợp toàn bộ doanh nghiệp nội địa. ACV chấm không đạt vì không đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự. Chủ đầu tư dự án tiến hành đấu thầu lần hai.
Ở lần thứ hai, Coteccons tách ra thành lập Liên danh Hoa Lư, trong đó có Hòa Bình. Còn Vinaconex và Phục Hưng Holdings gia nhập Liên danh Vietur.
Trong tháng 8, Liên danh Vietur sẽ được chấm thầu về đề xuất tài chính cho gói xây dựng nhà ga sân bay Long Thành. Đây là bước thứ hai trong quy trình đấu thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ: hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ tài chính.
Ở giai đoạn chấm hồ sơ tài chính, chủ đầu tư sẽ mở hồ sơ dự thầu đề xuất tài chính. Nếu có nhiều nhà thầu cùng lọt vào "vòng trong", thông thường chủ đầu tư sẽ chọn nhà thầu có mức giá thấp nhất. Nếu chỉ có một nhà thầu, chủ đầu tư sẽ so sánh giá chào thầu và giá gói thầu. Giá chào thầu của nhà thầu thấp hơn giá gói thầu của chủ đầu tư, sẽ được chấm trúng thầu.
Sau đó, nhà thầu sẽ cùng với chủ đầu tư thương thảo về thời gian thực hiện, tiến độ thanh toán, thời gian bàn giao mặt bằng... Nếu 2 bên không thương thảo với nhau được các điều khoản thì không thể ký hợp đồng, tức sẽ không thể triển khai gói thầu.