Thời gian qua, nhóm cổ phiếu dầu khí đã thu hút dòng tiền với thanh khoản tăng đột biến, nhiều mã vượt vùng đỉnh cũ như PVS, PVT, PVC, PVG,...
Diễn biến này được hỗ trợ bởi thông tin Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các cơ quan liên quan, xử lý dứt điểm để có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) để triển khai dự án khí Lô B đúng kế hoạch tiến độ, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.
Theo nhiều công ty chứng khoán, Dự án khí Lô B - Ô Môn vẫn sẽ là động lực tăng trưởng cho nhóm dầu khí thời gian tới, trong đó các doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên là PVS, PVD, PVX, GAS, PVB, PVC.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2023, bức tranh kết quả kinh doanh của họ nhà "P" kém sắc so với cùng kỳ năm ngoái - thời điểm giá dầu đạt đỉnh trong nhiều năm trở lại đây, chênh lệch thành phẩm (cracking spread) của cùng kỳ cũng tốt hơn rất nhiều so với năm nay. Hiện tại, giá dầu Brent đang về vùng 86 USD/thùng, giảm 28% so với mức đỉnh thiết lập 120 USD/thùng tại cuối tháng 6/2022.
Quý thăng hoa của nhóm thượng nguồn
Trong chuỗi cung ứng ngành dầu khí, nhóm thượng nguồn - được đánh giá là phản ứng chậm hơn với sự thay đổi của giá dầu, với hai đại diện Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) và Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) có kết quả cải thiện so với các doanh nghiệp trung nguồn và hạ nguồn.
Cụ thể, PVS báo cáo doanh thu đạt 8.414 tỷ, lợi nhuận ròng 439 tỷ, tăng lần lượt 11% và 97% so với cùng kỳ. Trong đó riêng quý II, PVS lãi ròng 225 tỷ, gấp hơn 32 lần so với mức nền thấp cùng kỳ. Kết quả này cũng đã giúp PVS lọt top 10 các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng mạnh nhất trên sàn.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của PVS cũng đang lập đỉnh với 35.700 đồng/cp chốt phiên 9/8, tăng 63% so với ngày 1/1.
Còn PVD tiếp tục có lãi với 161 tỷ đồng trong quý II, cùng kỳ lỗ 60 tỷ đồng. Đây cũng là quý công ty có lợi nhuận cao nhất kể từ quý IV/2018.
Theo giải trình, doanh thu trong kỳ của PVD giảm nhẹ do không phát sinh doanh thu giàn khoan thuê và khối lượng công việc giảm. Tuy nhiên, doanh số cho thuê giàn khoan tự nâng tăng lên nhờ hiệu suất sử dụng và đơn giá trong quý II/2023 tăng 30% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn ghi nhận khoản thu nhập từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng, và tăng lãi liên doanh.
Nhờ vậy sau 6 tháng, PVD lãi ròng 227 tỷ, cùng kỳ lỗ 116 tỷ và vượt 107% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Tổng Giám đốc PV Drilling - Nguyễn Xuân Cường cho biết, công ty đã thu xếp được việc làm liên tục và ổn định cho các giàn khoan sở hữu trong năm 2023 với đơn giá dịch vụ đã được cải thiện so với năm 2022 đối với các hợp đồng dài hạn vừa ký kết. Ông Cường còn dự báo “2023 sẽ là năm bận rộn và tươi sáng hơn của PV Drilling".
PV GAS và PVTrans: Đã cán đích lợi nhuận cả năm
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) báo cáo doanh thu và lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm giảm lần lượt 17% và 24% so với cùng kỳ. Riêng quý II, tổng công ty lãi ròng 3.156 tỷ và giảm 38%.
Theo GAS, trong quý II, giá dầu bình quân đạt 78,39 USD/thùng, giảm 31% so với cùng kỳ. Giá CP (Contract Price) bình quân giảm 39%, còn 516,67 USD/tấn. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của PV GAS sụt giảm, dù mức lợi nhuận này không chênh nhiều so với các quý gần đây.
Dù lợi nhuận giảm sâu, công ty vẫn cán đích kế hoạch lợi nhuận cả năm. Năm 2023, PV GAS đặt kế hoạch thận trọng dựa trên kỳ vọng giá dầu trên 70 USD/thùng. Nếu giá dầu vẫn giữ trên 80 USD/thùng, PV GAS tự tin lợi nhuận vượt 30% kế hoạch cả năm, thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên.
Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans – Mã: PVT) là đơn vị vận chuyển khí LPG lớn nhất ở thị trường nội địa và các sản phẩm của nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn.
PVTrans cho biết, nửa đầu năm 2023, nhờ chiến lược đầu tư và trẻ hoá đội tàu trong nhiều năm khi giá tàu còn thấp, công ty tiếp tục báo lãi tăng trưởng với mức tăng 33% và hoàn thành kế hoạch cả năm.
Trái ngược với thị trường vận tải container khi cả cước vận tải và giá cho thuê định hạn lao dốc, theo các chuyên gia, thị trường tàu dầu đang được hưởng nhiều lợi thế.
Nhu cầu sử dụng dầu trên toàn cầu dự kiến tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Việc điều chỉnh lại các tuyến thương mại vận tải toàn cầu do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine khiến giá cước vận tải tàu dầu tăng lên nhanh chóng.
Nhóm phân phối xăng dầu: Doanh thu suy giảm
Trong khi đó, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhóm bán lẻ xăng dầu lại trái ngược nhau. Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) báo lãi ròng tăng vọt gấp 6,5 lần thì Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL – Mã: OIL) giảm 31% về lợi nhuận.
Dù cùng báo cáo doanh thu sụt giảm trong 6 tháng đầu năm, nhưng Petrolimex lại có thêm doanh thu tài chính tăng gần 30% lên 947 tỷ, chủ yếu nhờ các khoản tiền, tiền gửi ngân hàng, còn chi phí tài chính thì đi xuống.
Tại cuối tháng 6/2023, Petrolimex nắm giữ tổng cộng 29.362 tỷ đồng tổng tiền và tiền gửi ngân hàng, lọt top 4 các doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền nhất trên sàn chứng khoán.
Trong khi đó, PV OIL dù có thêm doanh thu hoạt động tài chính, nhưng các chi phí lãi vay, bán hàng và quản lý doanh nghiệp lớn đã ăn mòn lợi nhuận.
CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) là một trong hai nhà máy lọc dầu của Việt Nam và là đơn vị bán trực tiếp sản phẩm cho PV OIL.
6 tháng đầu năm, khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô (cracking spread) không còn tốt như đỉnh cao năm ngoái, nên cả doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của công ty đều giảm mạnh, lần lượt 22% và 76%.
Cuối quý II, BSR nắm giữ 29.230 tỷ đồng tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn, chiếm 39% tài sản tại cuối quý II và cũng nằm trong top các doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền nhất sàn chứng khoán. 6 tháng đầu năm, khoản tiền nhàn rỗi trên đã đem về gần 763 tỷ đồng tiền lãi cho công ty, đóng góp 1/4 vào lợi nhuận ròng cho BSR.
Theo báo cáo chiến lược 6 tháng cuối 2023, VNDirect cho rằng thị trường khoan dầu khí đang tăng tốc trên phạm vi toàn cầu khi nguồn cung giàn khoan tự nâng (JU) đang ngày càng thắt chặt. Riêng đối với thị trường Đông Nam Á, nguồn cung giàn JU bị thu hẹp do nhiều giàn JU đã di chuyển ra khỏi khu vực này để đến Trung Đông. Giá thuê giàn khoan JU tại Đông Nam Á đang ở mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2015, là tín hiệu tốt cho các nhà cung cấp dịch vụ giàn khoan như PVD.
Với thị trường trong nước, nhiều dự án phát triển mỏ dầu khí quy mô vừa và nhỏ đã được bật đèn xanh và có những chuyển động tích cực trong vài tháng qua, đơn cử như dự án Đại Hùng Giai đoạn 3, Kình Ngư Trắng hay Lạc Đà Vàng.
Nếu các dự án này sớm được triển khai, điều này sẽ cung cấp cơ hội việc làm tiềm năng cho các nhà cung cấp dịch vụ dầu khí trong nước, trước hết là cho các nhà thầu EPC và các đơn vị cung cấp dịch vụ khoan như PVS và PVD.
Dự án Lô B - Ô Môn cũng sẽ là động lực tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp niêm yết trong chuỗi giá trị ngành dầu khí tại Việt Nam trong thời gian tới, bên cạnh PVS, PVD, còn có PV GAS, PVC, PVB, PVX hay PXT.
Đối với nhóm trung nguồn, trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng xanh, việc ưu tiên phát triển nguồn điện khí (sử dụng nguồn khí nội địa và LNG) trở thành nguồn nguồn điện chạy nền cho hệ thống sẽ giúp PV GAS hưởng lợi chính với tư cách là nhà phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng cũng như nhà cung cấp khí LNG.
Đối với việc vận chuyển, các chuyên gia nhận định sự thay đổi không thể đảo ngược trong dòng chảy thương mại năng lượng toàn cầu sẽ giữ mặt bằng giá cước thuê tàu ở mức cao. Hiện tại khoảng 80% đội tàu của PVTrans đã được huy động ra quốc tế để bổ sung vào nguồn cung đang thiếu hụt.
Trái ngược với năm 2022, lĩnh vực phân phối xăng dầu được dự báo sẽ khởi sắc trong năm nay khi thị trường trong nước đã ổn định trở lại nhờ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vận hành hết công suất, và việc điều chỉnh các khoản phụ phí kinh doanh xăng dầu kịp thời và đầy đủ của cơ quan quản lý, giúp hạn chế các chi phí kinh doanh xăng dầu đột biến như đã phát sinh trong năm 2022.
Ngược lại, các NMLD sẽ phải đối mặt với việc tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm nay khi biên lợi nhuận của nhóm lọc dầu đã giảm xuống mức trước khủng hoảng. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế gia tăng, nguồn cung dồi dào đến từ sự trở lại của Trung Quốc trong việc xuất khẩu sản phẩm lọc dầu, Nga thành công trong việc điều chỉnh dòng chảy sản phẩm từ châu Âu sang Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ, và công suất bổ sung từ các NMLD mới tại Trung Đông.