Thời sự

Lý do chưa tích hợp được giấy phép lái xe lên VNeID

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc thông tin về việc không thể cập nhật giấy phép lái xe (GPLX) lên ứng dụng VNeID dù đã làm nhiều lần. Khi cập nhật thì hệ thống cứ báo “không tìm thấy hạng GPLX mà công dân đã tích hợp. Để có thể tích hợp thông tin GPLX, bạn vui lòng liên hệ cơ quan cấp GPLX để bổ sung…”.

Người dân rất mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Cập nhật nhiều lần vẫn không được

Ông Nguyễn Thanh Sơn (TP Thủ Đức) cho biết khi có thông báo về việc tích hợp các giấy tờ cá nhân lên ứng dụng VNeID, ông đã nhanh chóng thực hiện việc tích hợp. Tuy nhiên, các loại giấy tờ như CCCD, thẻ BHYT… đều cập nhật được, riêng GPLX vẫn không thể đồng bộ lên hệ thống.

Thậm chí hệ thống còn phản hồi rằng hệ thống quản lý thông tin GPLX do Bộ GTVT quản lý đã trả kết quả không đạt. Kết quả thông báo “không tìm thấy hạng GPLX mà công dân đã tích hợp. Để có thể tích hợp thông tin GPLX, bạn vui lòng liên hệ cơ quan cấp GPLX để bổ sung, hoàn thiện thông tin GPLX của bạn”.

Lý do chưa tích hợp được giấy phép lái xe lên VNeID - 1

Do dữ liệu chưa được đồng bộ nên việc tích hợp giấy phép lái xe lên ứng dụng VNeID còn trục trặc. Ảnh: MINH HOÀNG

“Tôi đã thi và có GPLX từ lâu, tôi không hiểu sao hệ thống lại thông báo GPLX của tôi không có trong dữ liệu. Và thắc mắc này tôi cũng không biết phản ánh đến cơ quan nào để giải quyết. Thiết nghĩ các ngành chức năng sớm có giải pháp đồng bộ dữ liệu, tạo thuận lợi cho người dân trong việc tích hợp các giấy tờ cá nhân vào ứng dụng VNeID” - ông Thanh nói.

Tương tự, anh Nguyễn Hồng Phước (huyện Đức Hòa, Long An) cũng cho biết anh được Sở GTVT TP.HCM cấp GPLX hạng B2 từ năm 2022, Sở GTVT tỉnh Long An cấp GPLX hạng A1 từ năm 2015.

Mới đây, anh Phước cũng đã đăng ký tài khoản định danh mức 2 và có tích hợp các thông tin như thẻ BHYT, mã số thuế, GPLX… Tuy nhiên, thông tin về GPLX thì chỉ tích hợp được GPLX hạng A1 do Sở GTVT tỉnh Long An cấp, còn thông tin GPLX hạng B2 của Sở GTVT TP.HCM thì bị từ chối phê duyệt do không có thông tin.

“Sau đó tôi cũng nhiều lần tích hợp lại nhưng GPLX nêu trên nhưng vẫn bị từ chối. Tôi cũng không hiểu sao GPLX cái thì tích hợp được, cái thì không. Mong cơ quan chức năng kiểm tra, có hướng xử lý để việc tích hợp được hiệu quả, thuận tiện” - ông Phước chia sẻ.

Cũng theo chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (Lâm Đồng), từ ngày 11-5 đến nay, chị đã nhiều lần cập nhật thông tin GPLX lên hệ thống ứng dụng VNeID, song đến nay vẫn chưa thể đồng bộ. Thông tin trả về luôn là không đạt mà không biết lý do tại sao.

Cần đánh giá lại việc vận hành hệ thống

Đại diện Bộ GTVT cho biết Bộ GTVT đã kết nối hệ thống với VNeID với Bộ Công an từ trước. Với việc phản ánh của người dân, trước mắt các đơn vị cần đánh giá lại việc vận hành hệ thống ra sao, cần đưa ra con số cụ thể là bao nhiêu trường hợp chưa thể tích hợp được lên hệ thống VNeID.

Bộ GTVT sẽ căn cứ vào báo cáo của các sở GTVT để xác định hiện tượng này có phổ biến không để có hướng kiến nghị thông tin này với Bộ Công an và có hướng xử lý phù hợp.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục vừa phối hợp, triển khai và theo dõi để đồng hành cùng người dân” - đại diện Bộ GTVT cho hay. PV

“GPLX của tôi là dạng PET. Tôi nghĩ dạng PET đã đủ điều kiện tích hợp nhưng đến nay vẫn không biết lý do vì sao” - chị Hằng nói.

GPLX bìa giấy chưa thể tích hợp

Trao đổi với PV, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết từ năm 1995, ngành giao thông mới thực hiện cấp GPLX cho người dân bao gồm dạng giấy và dạng PET. Hiện một số trường hợp người dân đã chuyển từ GPLX dạng giấy sang PET, song số lượng sử dụng dạng giấy vẫn còn khá nhiều. Chưa kể trước năm 1995, GPLX là do ngành công an cấp nên thời điểm GPLX trước đó vẫn là dạng thẻ giấy.

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi tới Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) về những khó khăn của người dân khi tích hợp GPLX lên hệ thống ứng dụng VNeID.

Sở đề nghị C06 phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu để thống nhất các trường hợp GPLX chưa tích hợp được và có văn bản hướng dẫn công an địa phương, Sở GTVT. Từ đó, các đơn vị có hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định.

Đồng thời, các đơn vị cần có điều chỉnh nội dung thông báo cho phù hợp trên hệ thống VNeID, khi không tích hợp được GPLX trong thời gian hệ thống dữ liệu giữa Bộ Công an và Bộ GTVT chưa hoàn thiện.

“Hiện nay, C06 vẫn chưa có phản hồi cho Sở GTVT TP.HCM nên sở cũng chưa thể phản hồi cho người dân. Rất mong Bộ Công an sớm có hướng dẫn, liên thông thông tin để người dân được cập nhật thông tin lên hệ thống VNeID thuận tiện hơn” - vị đại diện này cho biết.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cũng cho biết Sở GTVT TP có kiến nghị tích hợp thông tin để giúp người dân cập nhật thông tin lên hệ thống VNeID thuận tiện, dễ dàng và có thể sử dụng dịch vụ công lên cấp độ 4. Theo đó, giải pháp tốt nhất vẫn là sớm đồng bộ hệ thống dữ liệu giữa Bộ GTVT và Bộ Công an.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Cục Đường bộ cho biết hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu GPLX của cục đang quản lý trên 8,8 triệu GPLX ô tô và trên 46,7 triệu GPLX máy.

Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành xác thực thành công và hiển thị đầy đủ trên hệ thống VNeID 31,3 triệu GPLX các loại. Còn 24,3 triệu GPLX (chủ yếu là GPLX máy) được in trên bìa giấy chưa thể tích hợp được.

Nguyên nhân được Cục Đường bộ lý giải là do GPLX trước đây được cấp bằng bìa giấy (không phải thẻ PET). Loại này chỉ hiển thị tên, năm sinh của người dân, không có ngày tháng sinh nên không đồng bộ dữ liệu cư dân quốc gia.

Cạnh đó, người được cấp GPLX trước đây chủ yếu sử dụng CMND 9 số, không đồng bộ dữ liệu CCCD 12 số hiện nay trên hệ thống VNeID.

Để giải quyết vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ), cho biết trước mắt đơn vị khuyến khích người dân nên đổi GPLX sang vật liệu PET để cập nhật theo CCCD 12 số, phù hợp với dữ liệu hệ thống dân cư. Cục Đường bộ cũng sẽ phối hợp với C06 cập nhật bổ sung các thông tin của người dân để dữ liệu GPLX được đồng bộ, đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hiển thị trên hệ thống VNeID.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm