Báo cáo tài chính quý III/2022 vừa được CTCP Gỗ An Cường (Mã: ACG) công bố cho thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày tiếp tục giữ đà tăng trưởng với doanh thu thuần đạt 1.176 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,6% so với thời điểm quý III/2019 (trước dịch COVID-19).
Gỗ An Cường cho biết hai yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu thấp đến từ mức nền thấp trong năm 2021, nhu cầu nội địa phục hồi và các kênh phân phối được mở rộng giúp khách hàng dễ tiếp cận hơn.
Với mức tăng chi phí giá vốn hàng bán thấp hơn mức tăng doanh thu, lợi nhuận gộp của An Cường đã tăng 195% so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức 348 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của Gỗ An Cường đạt gần 30% so với con số 23,7% cùng kỳ.
Trong quý III, An Cường cho biết đã thúc đẩy hoạt động bán hàng để đạt được mức tăng doanh số. Chi phí bán hàng theo đó đã tăng lên mức 137 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm trước. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 140% lên 36 tỷ đồng.
Ngoài ra, các chi phí khác không biến động đáng kể đã giúp Gỗ An Cường đạt 166 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty, tăng 182% so với cùng kỳ 2021. Nếu so với thời điểm trước dịch (quý III/2019), lợi nhuận của Gỗ An Cường tăng 35%.
Lũy kế 9 tháng, Gỗ An Cường đạt 3.091 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 440 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và góp 14,2% vào tổng doanh thu, biên lợi nhuận mảng xuất khẩu cải thiện lên mức 13,8%.
lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 445 tỷ đồng, tăng 50%. Thu nhập trên mỗi cổ phần 4 quý (EPS 4 quý tính theo số cổ phiếu đang lưu hành hiện tại) đạt 4.417 đồng.
Số liệu công bố cho thấy Gỗ An Cường đã không đầu tư thêm vào bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong quý III năm nay. Báo cáo cho thấy lượng tiền mặt và lượng tiền gửi tới cuối quý III đã giảm 256 tỷ đồng so với hồi đầu năm, xuống mức 1.371 tỷ đồng.
Lượng tiền của Gỗ An Cường giảm sút mặc dù dòng tiền kinh doanh dương trong 9 tháng đầu năm năm nay do doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 500 tỷ vào Thắng Lợi Group - nhà phát triển bất động sản tại Long An và chi trả cổ tức. Dù vậy, lượng tiền mà doanh nghiệp đang có vẫn chênh lệch lớn so với khoản nợ vay 675 tỷ đồng - chủ yếu là vay vốn lưu động tại thời điểm cuối quý III/2022.
Tại ngày 30/9, tổng nguồn vốn của Gỗ An Cường đạt mức 5.280 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, bao gồm 3.891 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, chiếm 74%.
Cập nhật về thông tin hoạt động, An Cường cho biết, vào ngày 1/10, An Cường và Công ty TNHH TMDV Gỗ Bảo Hân đã tổ chức lễ khai trương nhà phân phối tại Long Khánh, Đồng Nai; ngày 7/10, showroom Việt Phú Thịnh – nhà phân phối mới của sản phẩm gỗ An Cường được khai trương tại Quảng Ngãi.
Doanh nghiệp này cho biết các showroom mới đã nâng tổng số địa điểm kinh doanh của An Cường trên cả nước lên 51 địa điểm. Theo kế hoạch của ban điều hành, hệ thống kinh doanh của An Cường sẽ hoàn thành việc phủ sóng tại khắp 63 tỉnh thành vào giữa năm 2023.
Ngày 20/10 vừa qua, An Cường đã ký kết hợp tác chiến lược với CTCP Vicostone nhằm đẩy mạnh thương hiệu An Cường tại thị trường nội địa, đồng thời củng cố chuỗi giá trị hiện hữu của doanh nghiệp.