Doanh nghiệp

Loạt doanh nghiệp vay nợ trái phiếu lớn nhất được Bộ Tài chính báo cáo lên Thủ tướng

Theo Bộ Tài chính, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành năm 2021 đạt 639.766 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020, chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ đạt 605.520 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020. Quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2021 tương đương 18,2% GDP, tăng 42,4% so với cuối mức 17,11% GDP của năm 2020.

Bên cạnh một số doanh nghiệp đại chúng lớn đã niêm yết và bắt buộc công bố đầy đủ thông tin định kỳ theo quy định bao gồm cả hoạt động phát hành, tiến độ sử dụng vốn, báo cáo tài chính hàng quý, bán niên và kiểm toán - chiếm 47,17% tổng khối lượng phát hành, Bộ Tài chính cho biết gần 53% còn lại thuộc nhóm công ty cổ phần chưa đại chúng và công ty trách nhiệm hữu hạn.

Một số doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp cổ phần chưa đại chúng và là công ty trách nhiệm hữu hạn phát hành lượng trái phiếu lớn trong danh sách bao gồm Vạn Trường Phát huy động 8.000 tỷ, Golden Hill 5760 tỷ, Hoàng Phú Vương 4.670 tỷ, Công ty TNHH đầu tư và phát triển Minh Tân 4.050 tỷ, Công ty CP đầu tư Tân Thành Long An 5.000 tỷ, Công ty CP thương mại - quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân 4.000 tỷ, Công ty CP vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang 2.736 tỉ đồng.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đã phát hành khối lượng trái phiếu gấp nhiều lần quy mô vốn chủ sở hữu. Chẳng hạn Osaka Garden huy động 7.700 tỷ trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ, tương ứng tỷ lệ nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu lên đến 2.852%; Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas 7.200 tỷ trên vốn chủ sở hữu 153 tỷ, tương ứng tỷ lệ 4.706%,...

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, có hiện tượng một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của TCTD đối với một khách hàng/nhóm khách hàng. 

Không có tài sản bảo đảm hoặc có đảm bảo nhưng chất lượng tài sản kém

Theo Bộ Tài chính, sự phát triển của thị trường TPDN tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho đa lĩnh vực. Dù vậy, báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy thị trường TPDN đang tồn tại một số rủi ro tiềm ẩn.

Trong năm 2021, TPDN phát hành riêng lẻ có tài sản đảm bảo chiếm 49,7%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 50,3%. Đối với TPDN phát hành ra công chúng, trái phiếu chủ yếu không có tài sản đảm bảo, chiếm 99% tổng khối lượng phát hành. 

Trái phiếu không có tài sản đảm bảo chủ yếu là trái phiếu do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phát hành, chiếm 77,7% tổng khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ không có tài sản đảm bảo. 

Đối với trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành, 88,2% khối lượng phát hành là trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán, 11,8% khối lượng phát hành là trái phiếu không có tài sản đảm bảo.

Tài sản đảm bảo của trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành chủ yếu là bất động sản, các chương trình, dự án (chiếm 57,84% tổng khối lượng phát hành), bảo đảm bằng cổ phiếu (chiếm 23,95%), bảo đảm bằng cả bất động sản và cổ phiếu (chiếm 1,37%) và bảo đảm bằng các tài sản khác (chiếm 8,67%).

  • TIN LIÊN QUAN
  • Số liệu mới nhất từ Chính phủ về dư nợ tín dụng và trái phiếu bất động sản 22/05/2022 - 21:51

  • Lo bất động sản gặp bất ổn nếu tiếp tục dựa lưng vào ngân hàng và trái phiếu 09/05/2022 - 18:10

  • Siết trái phiếu, tín dụng bất động sản: Doanh nghiệp phản ứng thế nào?

Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lại hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Bộ Tài chính cảnh báo trong tường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Bộ Tài chính cũng cho biết, có 57 doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong tổng số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ năm 2021 có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP sẽ quy định chặt chẽ hơn điều kiện phát hành nhằm hạn chế việc doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây mất an toàn trong hoạt động, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm