Báo cáo tài chính hợp nhất quý II và nửa đầu năm của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) cho thấy, quý II, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần gần 586,7 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 1.012 tỷ đồng, tăng 16%. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 458 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ.
Về tồn kho bất động sản (BĐS), tính đến ngày 30/6, KDH có lượng hàng tồn kho lên tới gần 13.000 tỷ đồng. Trong đó, gần 5.646,5 tỷ đồng tại Dự án Khang Phúc - Khu dân cư phường Tân Tạo; hơn 3.344 tỷ đồng tại Dự án Đoàn Nguyên - Bình Trưng Đông; hơn 963,2 tỷ đồng tại dự án Bình Trưng Mới - Bình Trưng Đông; 619,5 tỷ đồng tại Dự án Khang Phúc - An Dương Vương và hơn 1.223 tỷ đồng ở các dự án khác.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia (AGG) ghi nhận doanh thu đạt 1.676,4 tỷ đồng, giảm 38,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận 76,39 tỷ đồng, giảm 36,1% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, AGG ghi nhận doanh thu đạt 1.865,9 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận 81 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ.
Hàng tồn kho của doanh nghiệp này hơn 3.353 tỷ đồng. Trong đó, dự án Westgate hơn 2.646 tỷ đồng; Signial hơn 321 tỷ đồng; The Standard hơn 267 tỷ đồng...
Đối với Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG), quý II ghi nhận doanh thu thuần khoảng 713,8 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng việc bán căn hộ và đất nền đã đóng góp tới gần 454 tỷ đồng vào doanh thu của công ty. Lũy kế 6 tháng, doanh thu của doanh nghiệp đạt gần 1.092 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ.
Hàng tồn kho của DXG hơn 14.788 tỷ đồng. Trong đó, BĐS dang dở chiếm chủ yếu, hơn 11.429 tỷ đồng, BĐS thành phẩm gần 2.455 tỷ đồng, BĐS hàng hóa hơn 660 tỷ đồng, công trình xây dựng dở dang gần 224 tỷ đồng, hàng hóa hơn 9,2 tỷ đồng, nguyên vật liệu xây dựng hơn 7,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) báo cáo cũng cho thấy, doanh thu thuần quý II đạt 953 tỷ đồng, giảm 287 tỷ đồng (23%) so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế, doanh thu thuần 6 tháng đạt 1.188 tỷ đồng, giảm 640 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu chủ yếu trong năm được đóng góp từ doanh thu bán nhà và căn hộ (chiếm khoảng 87% tổng doanh thu) đạt 1.038 tỷ đến từ các dự án trọng điểm là Southgate (Long An) và Akari City (TP.HCM).
Lượng hàng tồn của doanh nghiệp hơn 16.269 tỷ đồng, tăng hơn 1.439 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022. Hàng tồn kho chủ yếu là đến từ các dự án BĐS dở dang như dự án Izumi là 9.102 tỷ đồng; Waterpoint giai đoạn 1 là 3.600 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 1.481 tỷ đồng; Hoàng Nam - Akari 818 tỷ đồng; dự án Cần thơ 699 tỷ đồng; dự án Phú Hữu gần 245 tỷ đồng; dự án Nguyên Sơn hơn 116 tỷ đồng; Phước Long B mở rộng là hơn 103 tỷ đồng…
Kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm cho thấy, các doanh nghiệp mặc dù đã tái cấu trúc, song lợi nhuận chưa thực sự đột phá trong bối cảnh thị trường BĐS gặp khó khăn về thanh khoản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp nhận định, nửa cuối năm thị trường sẽ đảo chiều. Ghi nhận của Nhaudautu.vn cũng cho thấy, các doanh nghiệp BĐS đang chuẩn bị cho kế hoạch ra mắt dự án mới vào thời điểm này nhằm tạo động lực mới thị trường.
Còn nhiều thách thức
Trong bức tranh ảm đạm của thị trường BĐS, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tái cấu trúc, tập trung vào sản phẩm vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu ở thực nhằm kích cầu thanh khoản, lấy lại niềm tin của khách hàng. Đơn cử như việc tăng chiết khấu, hỗ trợ lãi suất trong thời gian dài để khách hàng có sở hữu nhà ở… là chính sách nổi bật trong nửa đầu năm nay.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư đã trả trước chi phí marketing, truyền thông cho đại lý, tăng phí môi giới bằng hình thức thưởng nóng cho nhân viên kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp đã giảm số tiền đặt cọc giữ chỗ từ mức 50-100 triệu đồng thì nay con số này đã giảm xuống còn 30 triệu đồng.
Theo VnDirect, nửa đầu năm, rủi ro mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp BĐS đã giảm bớt khi các doanh nghiệp thực hiện gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu và giãn nợ ngân hàng.
Tuy nhiên, vấn đề thanh khoản doanh nghiệp BĐS vẫn là vấn đề đáng lo ngại khi nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trả lãi và gốc trái phiếu do những khó khăn trong các kênh tái cấp vốn cùng với việc doanh số ký bán giảm mạnh bởi điều kiện thị trường. Rủi ro thanh khoản vẫn ở mức cao với lượng lớn trái phiếu đáo hạn của các nhà phát triển BĐS nửa cuối năm nay khoảng 65.906 tỷ đồng và 124.200 tỷ đồng trong năm 2024.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê mới đây cũng phản ánh thị trường BĐS đang khó khăn khi trong 7 tháng, có 2.622 doanh nghiệp BĐS đăng ký thành lập mới, giảm tới 56,2% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, số lượng doanh nghiệp BĐS giải thể là 756 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ.