Trong xu hướng người dân thắt chặt chi tiêu hậu COVID-19, cuộc cạnh tranh ngành hàng không hậu COVID-19 đang ngày càng khốc liệt khi chi phí tăng cao, tính mùa vụ và các yếu tố rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất.
Tuy nhiên, những con số thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho thấy, lượng chuyến bay thực hiện đã tăng lên so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, các hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, VASCO, Bamboo Airways và Vietravel Airlines đã thực hiện 117.872 chuyến bay tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần của các hãng hàng không hiện ra sao?
Trong giai đoạn này, Vietjet Air là hãng hàng không thực hiện nhiều chuyến bay nhất toàn thị trường với 44.059 chuyến bay, tương ứng với thị phần 37,2%.
Tiếp sau đó là, Vietnam Airlines đã thực hiện 42.682 chuyến bay tương ứng với thị phần 36,2%; Bamboo Airways thực hiện 17.638 chuyến bay chiếm thị phần 15%. Chỉ ba hãng hàng không này đã chiếm tới 88,2% thị phần toàn thị trường.
Cũng trong 5 tháng đầu năm, Pacific Airlines thực hiện 8.955 chuyến bay tương ứng với thị phần 7,6%, VASCO thực hiện 2.901 tương ứng với thị phần 2,5% và tân binh Vietravel Airlines thực hiện được 1.637 chuyến bay, tương ứng với thị phần 1,4%.
'Kẻ lỗ, người lãi'
Dù toàn ngành hàng không tăng trưởng 5,6% số chuyến bay trong 5 tháng đầu năm, tuy nhiên không phải toàn bộ các hãng hàng không đều tăng trưởng mà lại phân hoá khá rõ rệt.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, số chuyến bay thực hiện của ngành hàng không đã tăng 6.526 chuyến bay so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Vietjet Air tăng tới 5.307 chuyến bay và cũng vượt qua Vietnam Airlines để trở thành hãng hàng không có thị phần lớn nhất thị trường.
Cũng trong giai đoạn này, Pacific Airlines cũng tăng tới 3.807 chuyến bay, một phần nhờ Vietnam Airlines chuyển hướng hành khách sang thương hiệu giá rẻ. Với việc mở thêm một số đường bay quốc tế, Vietravel Airlines cũng tăng thêm 138 chuyến bay trong 5 tháng đầu năm 2023.
Ngược lại, Vietnam Airlines giảm 857 chuyến bay, Bamboo Airways giảm 1.434 chuyến bay, VASCO giảm 435 chuyến bay.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thị trường hàng không nội địa cơ bản phục hồi tốt, vượt 8% so với trước dịch năm 2019. Tuy nhiên, thị trường quốc tế mới chỉ phục hồi khoảng 60% so với trước dịch, thậm chí một thị trường lớn như Trung Quốc thì lượng khách đến mới chỉ phục hồi 9%.
Người đứng đầu hãng hàng không quốc doanh nhận định 6 tháng cuối năm ngành hàng không còn rất nhiều khó khăn. Trong đó, mâu thuẫn địa chính trị giữa Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu xăng dầu tăng nhanh, có lúc tăng gấp đôi trước dịch, trong khi nhiên liệu chiếm 60% chi phí hàng không.
"Chi phí vận hành rất cao, nhưng giá vé máy bay như vé hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây", ông Hoà cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Đây cũng là lý do trong quý II, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần 20.565 tỷ đồng, cao hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, lãi gộp 929 tỷ đồng trong quý II. Chi phí tài chính giảm 37% còn 723 tỷ, trong đó chi phí lãi vay lại tăng 49% lên 391 tỷ đồng.
Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lên tới 1.456 tỷ (tăng 30% so với cùng kỳ), ăn mòn hết lợi nhuận gộp nên Vietnam Airlines lỗ sau thuế 1.295 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 2.551 tỷ chủ yếu do các công ty con kinh doanh có lãi và các doanh nghiệp vận tải giảm lỗ. Lỗ ròng quý II 1.362 tỷ, tăng mạnh so với con số lỗ hơn trăm tỷ quý I.
Ngược lại, trong quý II Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vận chuyển hàng không đạt 12.522 tỷ đồng và 72 tỷ đồng, tăng 10% và 101%; doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 16.872 tỷ đồng và 214 tỷ đồng, tăng 46% và 18% so với quý 2/2022.
Lũy kế 6 tháng, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 29.770 tỷ đồng, tăng 87% và hoàn thành 60% kế hoạch năm. Mảng doanh thu phụ trợ duy trì mức tăng trưởng cao, đạt 9 nghìn tỷ đồng, gấp hai lần cùng kỳ và đóng góp 40% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 387 tỷ đồng, tăng 167% so với cùng kỳ.
Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên Bamboo Airways vào tháng 6, Ông Nguyễn Minh Hải, Cựu Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways cũng cho hay, chỉ khi nào doanh thu trên mỗi ghế (RASK) cao hơn chi phí trên ghế (CASK) thì hãng hàng không mới có lãi.
Đồng thời, hệ số ghế trên các chuyến bay phải đạt bình quân trên 80% thì các hãng hàng không mới có thể cân bằng được chi phí và có lãi.
"Muốn có lãi thì vẫn phải tăng quy mô sản xuất, 30 tàu bay là không đảm bảo hiệu quả. Do đó, Bamboo Airways sẽ tiếp tục tăng tàu bay bằng việc thuê, mua tàu, nhưng phải đảm bảo hiệu quả", ông Hải từng nói.
Mới đây, Bamboo Airways cũng cho biết đang tái cơ cấu mạng bay, cắt giảm các đường bay không hiệu quả và tập trung vào các đường bay đông khách. Thậm chí, Bamboo Airways cũng đang giảm bớt một số tàu thay thuê giá cao, khai thác không hiệu quả. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp hãng hàng không này cắt giảm chi phí sau khi báo lỗ tới 17.619 tỷ đồng ghi nhận năm 2022.
Bamboo Airways dẫn đầu về tỷ lệ đúng giờ
Về tỷ lệ đúng giờ, không phải Vietjet Air hay Vietnam Airlines mà Bamboo Airways mới là hãng hàng không luôn dẫn đầu.
Trong số 117.872 chuyến bay được thực hiện có 104,110 chuyến đúng giờ, chiếm tỷ lệ đúng giờ (OTP) là 88,3% trên tổng số chuyến bay, giảm 2 điểm % so với cùng kỳ 2022; 13,762 chuyến bị chậm giờ chiếm tỷ lệ 11,7%, tăng 2 điểm % so với cùng kỳ 2022; 380 chuyến bay bị hủy chiếm tỷ lệ 0,32%, giảm 0,554 điểm % so với cùng kỳ 2022.
Theo thống kê, Bamboo Airways là hãng hàng không có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) cao nhất, với 95,6% chuyến bay đúng giờ, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn ngành là 88,3%. Tỷ lệ OTP của hai hãng hàng không chiếm thị phần lớn nhất là Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt là 89,4% và 84,8%.
Các hãng hàng không còn lại gồm: Pacific Airlines, VASCO và Vietravel Airlines có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ là 86,3%; 89,3% và 86,1%.
Những nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm chuyến của các hãng bao gồm: Trang thiết bị và dịch vụ tại Cảng; quản lý và điều hành bay; hãng hàng không; thời tiết; tàu bay về muộn và các lý do khác. Trong đó, tàu bay về muộn là nguyên chính dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh trễ giờ trong giai đoạn này.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã dự báo tổng thị trường hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tương ứng mức tăng trưởng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2023, các hãng hàng không mới vận chuyển 28 triệu khách gồm 7 triệu khách quốc tế và 21 triệu hành khách nội địa, đạt khoảng 35% mục tiêu mà Cục HKVN đưa ra. Tuy nhiên, con số này cũng tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ đầu năm đến nay, các hãng hàng không đã triển khai mạnh mẽ các kế hoạch khôi phục toàn mạng bay nội địa, khai thác trở lại cũng như mở mới nhiều đường bay quốc tế kết nối các khu vực trọng điểm.
Vietnam Airlines khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa cũng như khai thác trở lại 90% đường bay quốc tế so với giai đoạn trước dịch. Trong khi đó, Vietjet Air mở mới thêm 10 đường bay nội địa và quốc tế. Mới đây nhất, với việc khai thác đường bay Hà Nội – Cà Mau, Bamboo Airways đã hoàn thiện mục tiêu kết nối toàn bộ 22 cảng hàng không thương mại của Việt Nam.