CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) vừa công bố doanh thu tiêu thụ tháng 7 đạt 782 tỷ đồng tăng 2% so với cùng kỳ.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu tiêu thụ của công ty đạt 4.116 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu chiếm 98%, chủ yếu sang các nước Mỹ (47%), Pháp (15%), Canada (8%), Nga (7%)…
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Nguyên nhân là do ngành dệt may chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU.
Mức giảm sâu này không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD, EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ 1/1/2023).
Tại Hội nghị giao ban với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo nhu cầu mặt hàng dệt may trên toàn thế giới năm nay giảm 8 - 10%.
Do đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2023 có thể giảm 10% so với năm ngoái xuống khoảng 40 tỷ USD; tình hình khó khăn hiện tại có thể kéo dài đến hết năm.
Theo ông “chưa có năm nào ngành dệt may khó khăn như vậy” khi các doanh nghiệp phải chấp nhận làm mặt hàng không phải sở trường của mình, chấp nhận lỗ để giữ chân người lao động .
“Kim ngạch xuất khẩu giảm không đáng lo bằng việc hiệu quả không cao. Giá bán xuống rất thấp, doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, năng suất cũng rất thấp”, ông nói.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2023, tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm. Trong khi đó, 85% sản lượng hàng dệt may của Việt Nam dùng cho xuất khẩu.