Sẽ không còn được giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%: Từ ngày 1/1/2023, sẽ không còn được giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định 15 của Chính phủ.
Giá vé ở các trạm thu phí đường bộ tăng trở lại: Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho phép áp dụng mức thuế suất 8% đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2022. Từ 1/1/2023, mức thuế suất sẽ quay trở lại là 10%.
Từ 1/1/2023, mức thuế suất sẽ quay trở lại là 10% nên giá vé ở các trạm thu phí đường bộ tăng trở lại
Điều này khiến mức thu ở các trạm thu phí đường bộ hiện nay trở lại như cũ (trước năm 2022), tức là tăng thêm khoảng từ 1.000-4.000 đồng mỗi lượt do thuế VAT đã tăng từ 8% lên 10%.
Đấu giá biển số xe đẹp, giá khởi điểm 40 triệu đồng: Vào tháng 11/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô trong 3 năm, thực hiện từ ngày 1/7/2023 với đa số đại biểu tán thành.
Theo nghị quyết, biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen. Tổ chức, cá nhân được lựa chọn biển số xe ô tô của tỉnh, thành phố để đăng ký tham gia đấu giá. Biển số xe ô tô không được lựa chọn để đấu giá, biển số xe ô tô đấu giá không thành được chuyển ngay vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định.
Mức giá khởi điểm của một biển số xe đẹp đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, áp dụng thống nhất trong cả nước; tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá; bước giá là 5 triệu đồng.
Bộ Công an sẽ là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức đấu giá tài sản, có trách nhiệm công khai biển số xe ô tô đưa chưa đăng ký, dự kiến cấp mới trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, cổng thông tin điện tử bộ, trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông, trang thông tin điện tử trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.
Miễn đăng kiểm lần đầu đối với xe ô tô mới: Sau 6 tháng đánh giá tác động kết hợp với việc nghiên cứu các yếu tố kỹ thuật và dữ liệu thực tế, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổng hợp trình Bộ GTVT phương án thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới trong thời gian một năm tính từ năm sản xuất.
Ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới sẽ được miễn đăng kiểm trong thời gian một năm tính từ năm sản xuất
Phương án trên đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam đăng ký vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ GTVT và đang thực hiện các bước xây dựng dự thảo bổ sung, sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT và nếu được chấp thuận có thể áp dụng ngay vào đầu năm 2023.
Trước đó, vào tháng 5/2022, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam điều chỉnh một số nội dung, đáng chú ý nhất là đề xuất miễn kiểm định với xe sản xuất mới và còn bảo hành của nhà sản xuất.
Lý do mà Cục CSGT đưa ra là các phương tiện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi bán ra thị trường, do vậy việc đăng kiểm đối với xe mới là không thực sự cần thiết.
Có thể từ chối mua bảo hiểm nhân thọ trong 21 ngày: Có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, đối với 2 loại bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe hợp đồng trên 1 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng, bên mua có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.
Trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng, bên mua có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm
Khi đó hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn phí đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Tăng lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở: Quyết định 2081/2022 của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1/1, áp dụng mức lãi suất mới đối với vay hỗ trợ nhà ở. Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 11/2013, 32/2014 và 25/2016 của Ngân hàng Nhà nước là 5%/năm (tăng 0,2%).
Trước đó, các ngân hàng thương mại cho vay từ năm 2013 với mức lãi suất 6%/năm, năm 2019 giảm xuống còn 5%/năm. Và từ năm 2021 đến nay, mức lãi suất ở duy trì ở 4,8%/năm.
Theo Thông tư số 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước, đối tượng vay vốn gồm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, đối tượng vay vốn còn có cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng.