Buổi tối giữa tuần qua, trong vai người cần tìm chỗ trông giữ xe máy, phóng viên được 2 người đàn ông chào mời gửi trên vỉa hè đường Tôn Thất Thiệp (đoạn đầu giao với phố đi bộ Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM). Lúc này, gần 100 chiếc xe máy đã đậu kín vỉa hè dù không có thông báo nào cho thấy đây là điểm được trông giữ xe.
Mức phí "trên trời"
Khoảng 20 phút quay trở lại, chúng tôi được người giữ xe yêu cầu trả 20.000 đồng. Khi chúng tôi thắc mắc số tiền này quá cao so với quy định, người giữ xe đáp lại ngắn gọn: "Ở đây phải chi đủ loại tiền. Phải quen biết thế nào thì mới được làm đấy" (!?)
Cùng thời gian, anh Bùi Ngọc Duy (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) loay hoay một hồi xung quanh khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ - bến Bạch Đằng mới tìm được chỗ trông giữ xe máy trên vỉa hè đường Tôn Thất Thiệp. Khi trở lại sau chưa đầy 1 giờ, anh Duy bất ngờ vì số tiền phải trả là 20.000 đồng.
Điểm giữ xe trên đường Tôn Thất Thiệp
Anh Duy bức xúc: "Trên phiếu không ghi giá giữ xe, điểm giữ cũng không có bảng thông tin về số tiền được thu theo lượt hay theo giờ... Đành chịu vậy, vì nhu cầu của mình nên chỉ biết cắn răng ấm ức. Có lẽ họ đã làm việc với cơ quan chức năng hay sao đó, chứ đâu phải ai muốn mở điểm trông giữ xe thì mở, muốn cho đậu là đậu, muốn "chặt chém" thế nào thì "chặt chém".
Theo ghi nhận trong nhiều ngày của phóng viên, xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ - bến Bạch Đằng có nhiều điểm trông giữ xe máy trên vỉa hè. Nhiều vỉa hè rộng 2-3 m được sử dụng toàn bộ cho việc giữ xe, buộc người đi bộ phải di chuyển dưới lòng đường. Phí gửi xe thì luôn cao ngất ngưỡng.
Ngoài đường Tôn Thất Thiệp, vỉa hè các đường Hải Triều, Ngô Đức Kế, Thi Sách... ở quận 1 cũng bị chiếm dụng. Hầu như thời điểm nào cũng có cả trăm chiếc xe máy đậu. Nếu gửi xe từ 6 giờ đến 17 giờ thì mức giá là 10.000 đồng/lượt, từ 17 giờ đến 23 giờ là 15.000 - 20.000 đồng, tùy địa điểm. Sau 23 giờ, phương tiện được dồn vào các bãi khác và lấy giá qua đêm.
Điểm giữ xe trên đường Ngô Đức Kế
Tình trạng trên cũng xảy ra với 2 điểm giữ xe ở cửa phía Tây chợ Bến Thành (phường Bến Thành, quận 1) khi mỗi lượt phải trả 10.000 đồng. Tại Hồ Con Rùa (quận 3), nơi giao nhau của 3 tuyến đường Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch và Trần Cao Vân, nhiều điểm cũng thu 10.000 - 20.000 đồng/lượt gửi xe trên vỉa hè.
Trong khi đó, tại một số điểm trông giữ xe được quản lý quy củ như bến buýt sông, đường sách Nguyễn Văn Bình... thì giá từ 5.000 - 6.000 đồng/lượt.
Nhu cầu rất lớn
Ông Lê Nguyễn Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé (quận 1), cho biết quanh khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ - bến Bạch Đằng chỉ có vài điểm được cấp phép trông giữ xe máy. Một số trụ sở cơ quan, đơn vị có vỉa hè thì được cấp phép để trông giữ xe miễn phí cho nhân viên. Tuy nhiên, có tình trạng nhiều người lợi dụng giữ xe để thu tiền.
Điểm giữ xe cửa Tây chợ Bến Thành. Các điểm giữ xe kể trên với mức giá cao hơn quy định
Ông Lê Nguyễn Việt Nam khẳng định theo quy định của UBND TP HCM thì mức tiền thu như trên là sai. Ông Nam thừa nhận nhu cầu gửi xe máy để đến phố đi bộ là rất lớn trong khi chưa quy hoạch được bãi giữ xe. "Phường Bến Nghé và quận 1 đã đề xuất với UBND TP HCM một số điểm trông giữ xe để giao lực lượng xung phong quản lý, giải tỏa áp lực cho người dân đến đây vui chơi" - ông Nam thông tin.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, giá dịch vụ trông giữ xe đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước được ban hành tại Quyết định 35/2018/QĐ-UBND. Theo đó, mức giá tối đa tại TP HCM với xe máy là 6.000 đồng/ngày và 9.000 đồng/đêm. Quá thời gian 4 giờ thì thu thêm.
Lòng đường, vỉa hè chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Luật sư Trương Văn Tuấn cho rằng hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để làm điểm trông giữ xe là vi phạm pháp luật. Dù đã có quy định cụ thể về chế tài xử phạt vi phạm và Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng đã có những yêu cầu xử lý tình trạng này nhưng thực hiện chưa triệt để. Hiện nay, khu vực trung tâm TP HCM tồn tại rất nhiều điểm lấn chiếm, trưng dụng vỉa hè, lòng đường để làm nơi trông giữ xe, thậm chí còn thu với giá rất cao so với quy định.
"Để giảm thiểu, tiến tới xóa hẳn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm điểm trông giữ xe thì nhà nước cần xử lý mạnh tay và dứt khoát các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên. Bên cạnh đó, cần thay đổi mức xử phạt cao hơn và nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm hoặc tái phạm" - luật sư Trương Văn Tuấn đề xuất.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, nhu cầu gửi xe máy tại TP HCM rất lớn và là thực tế đáng quan tâm khi người dân chưa có thói quen sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Các khu vực trường học, bệnh viện, bến xe... thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, không nhận giữ xe. Đa số người dân phải chật vật tới lui nhiều lần để có thể tìm được nơi gửi xe nhưng chi phí lại mắc hơn nhiều lần so với quy định. Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có biện pháp xử lý để giải quyết tận gốc vấn đề này.
Rà soát, xử lý nghiêm
Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng để hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm các bãi giữ xe đem lại nguồn thu nhập cho cá nhân, tổ chức và đáp ứng nhu cầu của người dân, cơ quan chức năng cần nhanh chóng kiểm tra, rà soát việc áp dụng bảng giá do UBND TP HCM quy định tại các địa điểm tổ chức trông giữ xe.
Cần khuyến khích một số cá nhân, tổ chức kinh doanh loại hình trông giữ xe tại một số điểm thiếu chỗ để xe để có thể giải quyết nhu cầu hợp lý của người dân. "Cùng với đó, cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý các địa điểm trông giữ xe không tuân thủ quy định pháp luật để không còn tồn tại tình trạng "chặt chém" gây bức xúc trong dư luận như hiện nay" - luật sư Trần Minh Hùng nhìn nhận.