Anh Hoàng được bác sĩ chẩn đoán tăng huyết áp hồi đầu năm, thường đau đầu, có lúc tê lưỡi, mờ mắt. Nhiều lần huyết áp tăng lên hơn 180 mmHg (bình thường khoảng 120 mmHg) khiến anh xây xẩm mặt mày, không đứng vững. Anh phải dùng thuốc duy trì song do công việc nên uống không đều.
Gần đây, anh được một người quen giới thiệu liệu trình "trà hạ huyết áp tại nhà", "cam kết tống khứ virus, hạ huyết áp, hạ mỡ máu, cải thiện tiêu hóa và khỏe mạnh hơn chỉ sau một tháng". Lên mạng tìm hiểu, anh thấy có nhiều loại trà được quảng cáo thành phần tự nhiên như hà thủ ô, táo đỏ, kỷ tử, lá sen, giá một hộp chỉ 90.000-150.000 đồng, mua càng nhiều càng rẻ.
Người bán giới thiệu một hộp trà gồm nhiều gói trà dưới dạng túi lọc, khoảng 250 g, pha với một lít nước, đun sôi 3-7 phút, uống vào sáng sớm khi dạ dày trống. "Nghe tư vấn, tôi bị thuyết phục hoàn toàn, nghĩ trà có chất chống oxy hóa rất tốt cho cơ thể", anh nói, thêm rằng ngoài trà hạ huyết áp, trên TikTok còn bán trà thải độc tử cung, thải độc dạ dày, đại tràng, giá rất rẻ.
Tuy nhiên, uống hai tuần, anh cảm thấy nôn nao, chóng mặt, sụt cân, tiểu rắt nên tạm ngừng. Kết quả đo huyết áp tại nhà vẫn ở mức báo động, anh quay lại uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
Chị Lan, 43 tuổi, khi làm việc thường kết hợp nghe nhạc trên YouTube nên buộc phải xem hàng loạt quảng cáo trà hạ huyết áp, phát đi phát lại liên tục. Ban đầu, chị không quan tâm, song "nghe nhiều cũng bị ám thị", cảm thấy trà thảo mộc là cách hạ huyết áp đơn giản, rẻ tiền, một hộp dùng 3 tháng giá chỉ 100.000 đồng.
Người bán giới thiệu là trà dùng dự phòng cho người khỏe mạnh, muốn phòng bệnh. Còn trường hợp bị tăng huyết áp có thể sử dụng để hạ huyết áp, cải thiện "vừa an toàn, vừa rẻ". Tuy nhiên, chị cẩn thận tham khảo bác sĩ, được khuyên không nên tự ý sử dụng.
Khi vào Google tìm kiếm từ khóa "Mua trà hạ huyết áp", có đến 50.000.000 kết quả hiển thị, trong đó nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn. Những loại này có giá từ vài chục nghìn đến vài trăm đến vài triệu đồng, với các công dụng được "thần thánh" như hạ huyết áp sau một tháng, hạ mỡ máu...
Một loại thuốc được ghi bên ngoài là hàng xách tay, giá đắt hơn, từ vài triệu đồng một hộp, nhưng được giảm giá hoặc mua ưu đãi "mua ba tặng một"; "mua ba tính tiền hai"... Người mua chỉ cần chọn số lượng, sau đó "mua hàng", điền đầy đủ thông tin địa chỉ, số điện thoại, phương thức thanh toán bên dưới, sẽ có thuốc chuyển đến tận nhà.
Thuốc được bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Trên TikTok, người bán giới thiệu sản phẩm bắt mắt, có người trải nghiệm. Tuy nhiên, người mua rất khó xác minh được nguồn gốc, hóa đơn mua bán.
Trong báo cáo An toàn quảng cáo năm 2020, Google cho biết đã xóa 3,1 tỷ quảng cáo vi phạm, trong đó có hơn 200 triệu quảng cáo liên quan đến lĩnh vực thuốc và sức khỏe. Gần đây, Bộ Y tế liên tục cảnh báo tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Trên TikTok, nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử, do người nổi tiếng, TikToker hoặc KOLs giới thiệu, đang gây nhầm lẫn và hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Hiện tại, Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số lượng bệnh nhân bị ảnh hưởng từ thông tin sai lệch trên mạng xã hội, nhưng tình trạng này không ngừng tăng.
"Tăng huyết áp là bệnh phổ biến hiện nay nên trở thành 'mảnh đất màu mỡ' cho nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp kinh doanh, mua bán", bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Theo bác sĩ, huyết áp cao là bệnh phổ biến, song cần dùng thuốc theo đơn kê toa, tuyệt đối không tự ý điều trị. "Chỉ uống trà mà hạ được huyết áp, khỏi huyết áp thì cần gì đến bác sĩ, bệnh viện nữa", bác sĩ nói.
Ngoài ra, các loại thực phẩm xách tay như trà hạ huyết áp chỉ là thực phẩm chức năng, không phải thuốc điều trị, chỉ có tác dụng hỗ trợ nếu đúng nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng.
Bác sĩ Đặng Minh Đức, Khoa Đột Quỵ, Bệnh viện Quân Y 103, cho biết trường hợp mới mắc bệnh hoặc ở mức độ nhẹ, chỉ số chưa cao, người bệnh có thể thay đổi lối sống như bỏ bia rượu, thuốc lá... cũng có thể giúp hạ huyết áp. "Tuy nhiên, điều trị tăng huyết áp phải dùng thuốc để kiểm soát chỉ số ở ngưỡng cho phép suốt đời. Khi dừng thuốc, tình trạng này sẽ tăng lại, gây nguy hiểm cho bệnh nhân", bác sĩ nói.
Nhiều người quảng cáo trà lợi tiểu có thể hỗ trợ giảm huyết áp. Thực tế, trong các nhóm thuốc hạ huyết áp có cả nhóm lợi tiểu song phải dùng đúng với từng bệnh nhân chứ không dùng cho mọi người. Tự ý dừng thuốc kê đơn, chuyển sang dùng thực phẩm chức năng vừa khiến bệnh nặng hơn, vừa tốn kém chi phí.
Lý giải nguyên nhân, bác sĩ cho rằng đa số bệnh nhân mong muốn "nhanh, tiện, rẻ" đã chọn tin vào những lời cam kết như "nhà tôi ba đời cứu người khỏi bệnh" thay vì các phương pháp điều trị chính thống. Nguyên nhân khác là quy trình quản lý, kiểm soát còn nhiều khe hở. Nhiều cơ sở kinh doanh thuốc qua mạng hoạt động bất chấp, không giấy phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cảnh giác với thuốc bán online. Từ ngày 1/7, Luật số 44/2024 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược có hiệu lực thi hành. Theo đó, một số thuốc không kê đơn mới được kinh doanh (bán lẻ) trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử để bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Sau ngày 1/7, người dùng chỉ mua thuốc trên các trang web được cấp phép bán thuốc trực tuyến; không mua qua nền tảng mạng xã hội hoặc người bán cá nhân không rõ danh tính.
"Không nên tin vào các lời quảng cáo 'thần dược' hoặc thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán qua mạng hoặc truyền miệng", Bộ Y tế cảnh báo.

Nhân viên y tế đo huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo Hội Tim mạch châu Âu và Hội Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, tức là huyết áp bình thường phải thấp hơn 140/90 mmHg.
Tăng huyết áp được xem là "kẻ giết người thầm lặng" bởi không triệu chứng điển hình. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 1,5 tỷ người toàn cầu bị tăng huyết áp. Số bệnh nhân tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi.
Tại Việt Nam, hơn 12 triệu người bị tăng huyết áp, trong đó đến 9,7 triệu người không biết mình bệnh hoặc điều trị không hiệu quả, theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, năm 2020. Hai năm sau, nghiên cứu dịch tễ học cho biết 25% người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp, tức cứ 4 người trưởng thành thì một người mắc bệnh, có những nơi tỷ lệ này lên đến 40%.
Tăng huyết áp kéo dài nếu không điều trị triệt để sẽ gây ra nhiều biến chứng đa cơ quan, thậm chí đột tử như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não (đột quỵ), phình động mạch chủ đến động mạch ngoại vi, suy thận mạn, mờ mắt, mù. Tăng huyết áp làm tăng gấp 4 lần nguy cơ tử vong do đột quỵ và tăng gấp ba lần nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch, so với người không mắc bệnh.
Người trẻ có thể chủ động phòng ngừa bằng cách giảm thiểu những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Các biện pháp cụ thể như tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút/ngày, liên tục 5 ngày/tuần. Nên ăn nhạt, dưới 5 g muối/ngày, tương đương hai muỗng cà phê. Ăn nhiều rau củ quả, hạn chế thức uống có cồn và giữ cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá.