Kinh doanh

Điện mặt trời mái nhà ở Mỹ đối mặt biến cố lớn, triệu hộ gia đình lo ngại

Tóm tắt:
  • Gần hai triệu hợp đồng NEM của các hệ thống điện mặt trời ở California có thể bị hủy.
  • Đề xuất AB 942 giảm tín dụng hóa đơn điện của khách hàng khoảng 80%, làm tăng chi phí.
  • NEM 3.0 đã giảm giá xuất khẩu điện từ 0,30 USD xuống 0,08 USD trên mỗi kWh.
  • Các hộ gia đình phải trả thêm khoảng 63 USD mỗi tháng nếu luật này thông qua.
  • Nhiều tổ chức phản đối dự luật, lo ngại tác động tiêu cực đến năng lượng sạch và quyền lợi người tiêu dùng.

Một đề xuất mới trong dự luật AB 942 đã được đưa ra tại cơ quan lập pháp bang California (Mỹ), nhằm hủy bỏ gần hai triệu hợp đồng đo đếm điện hai chiều (Net metering - NEM) của các hệ thống điện mặt trời mái nhà và chuyển các khách hàng hiện tại sang một biểu giá mới, trong đó mức tín dụng trên hóa đơn điện của họ sẽ bị giảm khoảng 80%.

Nếu được thông qua, đề xuất này sẽ làm tăng hóa đơn hàng tháng của một khách hàng sử dụng điện mặt trời thêm khoảng 63 USD.

Hiện nay, có hơn 2 triệu dự án điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà của các hộ gia đình, trường học, doanh nghiệp nhỏ và nhiều địa điểm khác tại California. Người dân tại bang này đã đầu tư hàng chục nghìn USD, hoặc ký hợp đồng dài hạn kéo dài hơn 20 năm, với kỳ vọng có mức giá điện ổn định trong hai thập kỷ tới.

Trong bối cảnh giá điện liên tục tăng, chi phí hóa đơn điện của các hộ gia đình được kiểm soát nhờ vào chương trình đo đếm điện hai chiều (NEM), cho phép khách hàng xuất khẩu sản lượng điện dư thừa vào ban ngày lên lưới điện địa phương để đổi lấy tín dụng trên hóa đơn điện.

dien mat troi
Theo đề xuất trong dự luật AB 942, hàng triệu hộ gia đình lắp điện mặt trời mái nhà sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: Ross Joyner, Unsplash

Steve Campbell, Giám đốc khu vực miền Tây của tổ chức Vote Solar, cho biết: “AB 942 là một cuộc tấn công trực tiếp vào các gia đình tại California đã đầu tư dài hạn vào điện mặt trời, với lời hứa về các thỏa thuận NEM công bằng kéo dài 20 năm, những cam kết đã được nêu rõ trong các tài liệu bảo vệ người tiêu dùng của tiểu bang".

Vào tháng 4/2023, California đã chuyển cấu trúc NEM sang biểu giá mới, còn gọi là NEM 3.0. Cấu trúc giá này đã cắt giảm khoảng 80% mức tín dụng dành cho các khách hàng mới sử dụng điện mặt trời. Kể từ đó, thị trường điện mặt trời mái nhà tại California đã sụt giảm nghiêm trọng do lợi tức đầu tư vào các dự án bị ảnh hưởng nặng nề.

Cụ thể, việc chuyển sang NEM 3.0 đã làm giảm mức giá điện xuất khẩu trung bình tại California từ 0,30 USD/kWh xuống chỉ còn 0,08 USD/kWh.

Hiện nay, dự luật AB 942 tiếp tục buộc các khách hàng sử dụng điện mặt trời phải áp dụng mức giá bất lợi theo NEM 3.0, bất kể họ đã ký hợp đồng theo các cấu trúc cũ trước đó.

Một hộ gia đình trung bình sử dụng khoảng 870 kWh điện mỗi tháng. Các khách hàng sử dụng điện mặt trời thường xuất khẩu từ 20% đến 40% sản lượng họ tạo ra lên lưới. Với mức giảm trung bình trong giá trị đo đếm điện và giả định rằng 30% sản lượng được xuất khẩu, các hộ này sẽ phải trả thêm khoảng 63 USD mỗi tháng nếu dự luật được thông qua.

Bên cạnh đó, dự luật cũng yêu cầu rằng kể từ ngày 1/7/2026, các khách hàng đã sử dụng dịch vụ theo NEM 1.0 hoặc 2.0 trong 10 năm trở lên sẽ không còn được tiếp tục hưởng chính sách cũ. Thay vào đó, họ sẽ bị buộc phải chuyển sang biểu giá mới theo NEM 3.0.

“Hơn một triệu người dân California đã ký hợp đồng và tham khảo tài liệu hướng dẫn do tiểu bang phát hành một cách thiện chí, với niềm tin rằng các cơ quan quản lý sẽ giữ lời hứa”, ông Campbell nói, đồng thời nhấn mạnh: “Việc phá vỡ các thỏa thuận đó sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho mọi chính sách bảo vệ người tiêu dùng tại California”.

Dự luật này được đệ trình bởi Nghị sĩ bang Lisa Calderon, người từng có 25 năm làm việc trong vai trò quản lý các vấn đề chính phủ tại một trong những công ty tiện ích lớn nhất bang - Southern California Edison.

Một nghiên cứu cho thấy điện mặt trời trên mái nhà đã mang lại khoảng 1,5 tỷ USD tiền tiết kiệm cho người tiêu dùng, kể cả những người không sử dụng điện mặt trời, trong năm 2024. Tuy nhiên, nhiều công ty điện lực tại California lại coi điện mặt trời là nguyên nhân khiến giá điện tăng cao.

Theo Ủy ban Tiện ích Công cộng California (CPUC), ba công ty điện lớn nhất bang là PG&E, SCE và SDGE đã tăng giá điện cho khách hàng lần lượt 110%, 90% và 82% trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, mức tiêu thụ điện năng nhìn chung không tăng, nhưng chi phí đầu tư vào truyền tải và phân phối lại tăng tới 300%.

Một lá thư phản đối có chữ ký của gần 100 tổ chức đã được gửi đến cơ quan lập pháp để phản đối dự luật AB 942.

“Để giải quyết vấn đề giá điện tăng cao, California cần tập trung vào những vấn đề thực sự trong hệ thống năng lượng, như chi tiêu không kiểm soát và lợi nhuận kỷ lục của các công ty tiện ích”, bức thư viết.

Trong thư, các tổ chức cũng bày tỏ lo ngại rằng dự luật AB 942 sẽ làm tăng giá điện, hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng, cản trở tiến trình phát triển năng lượng sạch của bang, làm xói mòn niềm tin công chúng vào chính quyền và tránh né việc cải cách thực sự hệ thống điện lực.

Theo PV

Các tin khác

Hệ tiêu hóa ảnh hưởng đề kháng thế nào?

TS.BS Phạm Lê Duy, Giảng viên bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hệ tiêu hóa khỏe góp phần xây dựng hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus cúm.

Cấp xã làm thủ tục đất đai: Cuộc "đại phẫu" cần thiết, nhưng...

Theo chuyên gia, việc phân cấp thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai cho cấp xã khi tổ chức chính quyền theo mô hình hai cấp mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận và thực hiện các thủ tục đất đai. Tuy nhiên, bản chất vấn đề không chỉ nằm ở chuyện “có phân quyền” hay không, mà là làm sao để phân quyền có kiểm soát.

Quân nhân Trung Quốc, Lào, Campuchia tham gia diễu binh 30.4 ở TP.HCM

Tối 25.4, lực lượng Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành cấp nhà nước cùng với các lực lượng vũ trang Việt Nam, nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Tin xem nhiều