Chiều 25/6, một nhiếp ảnh gia đã ghi lại khoảnh khắc hiếm gặp khi một cá voi lớn nổi lên mặt nước săn mồi tại khu vực biển Hòn Khô, xã Nhơn Hải, Bình Định - nay thuộc Gia Lai. Clip sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Con cá voi này được ước tính dài 10m, nặng khoảng 7 tấn. Sau khoảng 30 phút nổi lên săn mồi, cá voi đã lặn xuống và không còn nhìn thấy.
Sau đó, một lượt ghi nhận khác cũng ghi lại cảnh một cặp mẹ con cá voi đang săn mồi tại vùng biển Vũng Bồi thuộc xã An Lương, tỉnh Gia Lai (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cũ).
Đây không phải lần đầu tiên cá voi xuất hiện tại vùng biển này. Trước đó, ngày 7/6, một người làm du lịch cũng đã ghi nhận cảnh tượng cá voi lớn nổi lên săn mồi tại biển xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ. Trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2022 và 2023, loài cá voi Bryde (Balaenoptera edeni) đã liên tục được phát hiện bơi lượn và săn mồi tại vùng biển Đề Gi - Vũng Bồi, huyện Phù Cát.

Cá voi xuất hiện ở khu vực biển Đề Gi (Bình Định) là cá voi Bryde (Ảnh: Trung tâm CBES).
Theo nhận định của các chuyên gia tại Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Loài nguy cấp (CBES), việc cá voi thường xuyên xuất hiện ở vùng biển Gia Lai thời gian gần đây có thể liên quan đến nguồn thức ăn phong phú trong khu vực này.
Bên cạnh đó, những vùng biển nơi cá voi xuất hiện dường như ít chịu tác động từ hoạt động khai thác thủy sản, cộng với chất lượng nước biển trong lành, sạch hơn so với nhiều khu vực ven biển khác. Những điều kiện tự nhiên thuận lợi này được cho là yếu tố hấp dẫn, góp phần tạo môi trường sống lý tưởng cho cá voi tìm đến. Đây là kết quả minh chứng cho sự nỗ lực bảo tồn môi trường biển cùng với việc kiểm soát các hình thức khai thác tận diệt, nguồn lợi hải sản của địa phương.
Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Loài nguy cấp (CBES), cá voi Bryde – tên khoa học Balaenoptera edeni – là một trong những loài động vật biển đang được bảo vệ nghiêm ngặt trên phạm vi toàn cầu. Loài này nằm trong Phụ lục I của Công ước CITES, cấm hoàn toàn việc buôn bán và vận chuyển qua biên giới. Bên cạnh đó, cá voi Bryde cũng được liệt kê trong danh sách của Công ước về Bảo tồn các loài động vật hoang dã di cư (CMS) và được xếp vào nhóm loài dễ bị tổn thương (VU) theo Quyết định 82/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm cần được bảo vệ và phục hồi ở Việt Nam.
Cá voi Bryde là thành viên của họ cá voi râu (Balaenopteridae). Một đặc điểm nhận biết đặc trưng giúp phân biệt chúng với các loài cá voi khác là ba gờ nổi trên phần đầu, ngay phía trước lỗ thở.

Các chuyên gia gọi đây là "hoạt động xã hội" của hai mẹ con cá voi (Ảnh: Trung tâm CBES).
Khi trưởng thành, cá voi Bryde có thể dài từ 11 đến 15,5 mét và nặng từ 12 đến 20 tấn. Những cá thể mới sinh có chiều dài khoảng 3 đến 5 mét và trọng lượng từ 1 đến 2 tấn.
Dù có tính cách ôn hòa, cá voi Bryde vẫn có phản xạ phòng vệ tự nhiên, đặc biệt khi cảm thấy bị đe dọa. Ở những cá thể mẹ đang chăm con non, phản ứng tự vệ càng mạnh mẽ hơn.
Hoạt động du lịch như ca nô, chèo thuyền hoặc lặn gần khu vực cá voi có thể khiến cá mẹ cảm thấy nguy hiểm, dẫn đến phản ứng bảo vệ con, gây rủi ro cho du khách. Việc tiếp cận quá gần, đặc biệt dưới khoảng cách 20 mét, cũng có thể khiến cả mẹ và con rơi vào trạng thái căng thẳng.
Vì vậy, các đơn vị khai thác du lịch và phương tiện hàng hải được khuyến cáo duy trì khoảng cách tối thiểu 100 mét khi tiếp cận cá voi để đảm bảo an toàn cho cả người và động vật. Ngoài ra, khi di chuyển qua các vùng biển có sự xuất hiện của cá voi, cần tăng cường quan sát nhằm tránh va chạm gây tổn thương cho loài sinh vật quý hiếm này.
(Tổng hợp/Ảnh: Ảnh: Hoàng Đức Ngọc, CBES)