Thế giới động vật có vô vàn câu chuyện kỳ lạ mà con người nếu không thực sự say mê khoa học và quan sát sẽ không thể khám phá ra được. Kể cả khi các nhà khoa học đã xác nhận, có khi những câu chuyện ấy chưa chắc được tin bởi tất cả mọi người, đơn giản là nghe chúng quá vô lý, tỷ như việc cá heo biết skincare chẳng hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có những câu chuyện, hay nói đúng hơn là tin đồn không đúng về thế giới động vật mà được lan truyền sâu rộng đến nỗi mọi người đều bắt đầu đặt câu hỏi rằng nó có thật chăng? Một câu chuyện như thế liên quan đến giống gà tây - nhân vật chính của nhiều truyện hài trong văn hóa phương Tây.
Cụ thể, niềm tin được lan truyền là giống gà này ngốc đến mức chúng sẽ đứng tắm mưa vì quá ngốc để phân biệt được trời đang nắng chang chang hay đổ nước như trút. Thậm chí, người ta cho rằng chúng phải ngước mắt lên trời tận 30 giây mới biết điều gì đang thực sự diễn ra và há hốc mỏ ra vì ngơ ngẩn rồi "chết đuối" vì nước tràn vào phổi - một điều mà đến cả những loài côn trùng có não bé hơn cả móng chân chúng cũng phải bó tay.
Lời "nói xấu" kinh điển về gà tây này có nguồn gốc không rõ ràng, có thể chỉ từ những cuộc trà dư tửu hậu của hội anti loài gà này chăng? Dù sao, với ấn tượng của mọi người, loài vật này trông không được sáng sủa cho lắm do ngoại hình với cái đầu hói và bộ râu trên con trống, cùng cái đuôi kỳ dị đi kèm tiếng kêu vô cùng ngớ ngẩn đến mức đáng ghét.
Gà tây có ngoại hình khiến nhiều người cho là đáng ghét.
Chỉ cần tra cụm từ "turkey" trên từ điển tiếng Anh Thesaurus, bạn cũng có thể tìm thấy vô số từ miệt thị tệ hại đồng nghĩa với nó, chẳng hạn như "thằng hề", "đồ đần", "tên ngốc"... minh chứng cho sự coi thường tột độ của cư dân phương Tây đối với loài vật này. Vậy nên dù niềm tin "trời mưa không biết chạy vào nhà" trên nghe có vẻ lố bịch, nó vẫn được lan truyền rộng rãi.
Tuy nhiên, chỉ cần nhìn sự việc từ góc độ khoa học một chút là chúng ta có thể dễ dàng minh oan cho con vật đáng thương này. Đầu tiên, xét về mặt giải phẫu, động vật bị săn mồi như gà tây có mắt ở 2 bên đầu, giúp chúng có tầm nhìn rộng hơn để quan sát và kịp thoát khỏi kẻ thù. Điều đó có nghĩa là khi trời mưa và gà tây muốn biết chuyện gì xảy ra, chúng chỉ cần nghiêng đầu sang 1 bên để quan sát và loại bỏ khả năng há hốc mồm lên trời.
Gà tây có mắt ở 2 bên đầu giúp chúng có tầm quan sát rộng hơn.
Vấn đề tiếp theo nằm ở sự khác biệt cơ bản giữa gà tây hoang dã và gà tây thuần hóa. Do không cần tự lực cánh sinh trong tự nhiên, gà tây nhà không thông minh hay cứng cỏi bằng những người anh em hoang dã và mắc một bệnh gọi là chứng trẹo cổ co thắt do uốn ván (Tetanic torticollar spasms).
Chứng bệnh này khiến nhiều "anh em" gà ngước cổ lên do bị tật và hoàn toàn không phải cố tình. Những người không quen với y học trông thấy cảnh đó sẽ bắt đầu liên tưởng, thêu dệt và thế là niềm tin được sinh ra.
Cuối cùng, gà tây hoang dã có thể "bươn chải" ở các vùng mưa nhiều như đầm lầy. Hơn nữa, vào mùa đông chúng sẽ tìm kiếm các cây lá kim làm nơi trú ngụ khi các loài cây khác rụng trơ lá - điều này chứng tỏ chúng cũng biết trú mưa chứ không phải đần ngốc.
Nguồn: Petkeen