Chứng khoán

Loại ảnh hưởng ‘lệch lạc’ của VN30 bằng cách nào?

Thế giới này là của… VN30

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) cuối tuần rồi cho biết sẽ điều chỉnh cách tính giá cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index là giá trị trung bình trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn thay vì lấy mức giá đóng cửa như hiện nay là sử dụng kết quả của phiên ATC.

Động thái này diễn ra khi thị trường gần đây liên tục có nhiều phiên giảm mạnh và nhiều người đặt vấn đề về nguyên nhân từ phái sinh.

Số liệu cho thấy hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 6 có khối lượng giao dịch trong 13 phiên dao động từ 720-1.600 hợp đồng/phiên, cao hơn mức bình quân trước đây 50-100 hợp đồng/phiên. Cùng thời gian này, hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 5 trong có thanh khoản duy trì từ 211.000-384.000 hợp đồng/phiên, trong khi trước đó chưa tới 200.000 hợp đồng/phiên.

Ngoài ra, khối lượng hợp đồng mở (OI) cũng có dấu hiệu tăng mạnh. Cụ thể, đối với hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 5, nếu như ngày 19/4 chỉ có 3.069 hợp đồng mở thì tới ngày 11/5 đã tăng lên 38.111 hợp đồng mở.

Tương tự, đối với hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 6, ngày 19/4 khối lượng mở là 745 hợp đồng thì tới 11/5 đã là 975 hợp đồng.

Phái sinh ở đây chẳng qua là hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index. Nhiều nhà đầu tư thua lỗ ở thị trường cơ sở thì chạy qua short chỉ số VN30-Index, tức họ cược VN30-Index sẽ giảm và nếu giảm thật thì họ sẽ có lời để bù lại những mất mát ở chứng khoán cơ sở.

VN30-Index có thể làm “náo loạn” cả thị trường sao? Một số ý kiến đã được đề cập trong bài “Thị trường có ‘fair play’ với F0, nhỏ lẻ?” không nói lại ở đây.

Như cái tên của mình, VN30-Index gồm 30 cổ phiếu được niêm yết trên sàn HOSE có giá trị vốn hóa cũng như thanh khoản cao nhất.

Tính tới cuối phiên ngày 10/5, 30 cổ phiếu này có tổng mức vốn hóa hơn 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 70% tổng giá trị vốn hóa sàn HOSE. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên của nhóm 30 này chiếm gần 40% tổng giá trị giao dịch của sàn.

Chỉ 10 mã chứng khoán thuộc top đầu trong số này cũng đã đóng góp hơn 42% giá trị vốn hoá của cả VN-Index. Nếu như HOSE có cả thảy 493 mã cổ phiếu thì riêng 4 mã là VCB, VIC, VHM và GAS đã chiếm tới 23,8% giá trị vốn hoá; 77,2% còn lại thuộc về số đông 481 mã còn lại. Trong số đông 481 mã này có đến vài chục mã hàng ngày không có giao dịch hoặc nếu có thì chỉ vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu.

Như thế, có thể thấy gọi là thị trường nhưng thực sự “quyền lực” tập trung chỉ trọng số ít cổ phiếu, chẳng khác nào “thế giới này là của chúng mình”.

STT

Mã CK

Giá khớp gần nhất

Giá trị niêm yết (triệu đ)

Tỷ trọng (%)

1

VCB

76,100

360.144.511

7,49

2

VIC

78,300

298.631.154

6,21

3

VHM

66,500

289.565.438

6,02

4

GAS

102,400

195.988.480

4,08

5

HPG

38,000

169.971.063

3,54

6

BID

33,250

168.195.917

3,50

7

MSN

103,200

146.197.411

3,04

8

NVL

74,800

144.395.515

3,00

9

VNM

67,600

141.280.988

2,94

10

VPB

30,650

138.099.490

2,87

Cộng

42,69

Top10 cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn nhất sàn HOSE tại ngày 13/5. Nguồn: hsx.vn.

Mọi người thường nói “đạp trụ” hay “kéo trụ” có lẽ khi nhìn vào các con số trên mới hiểu thế nào là “trụ” và mức ảnh hưởng của “trụ” đến cỡ nào.

Cách nào để thị trường bớt “méo mó”?

Thay đổi cách tính giá cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index như VSD vừa đưa ra cũng là một giải pháp, nhưng chưa thực sự căn cơ.

Cũng có ý kiến cho rằng nên loại các cổ phiếu trong rổ VN30-Index ra khỏi VN-Index. Điều đáng quan ngại nhất ở đây là nếu loại ra thì quy mô vốn hoá của VN-Index nhỏ lại đáng kể.

Còn loại thì cơ bản hạn chế được sự ảnh hưởng của một số ít cổ phiếu lớn lên thị trường chung, các tổ chức lớn như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… sẽ ít có cơ hội dùng một số ít cổ phiếu trụ để “khiển” thị trường.

Nếu muốn loại các cổ phiếu VN30-Index ra khỏi VN-Index mà không làm ảnh hưởng đến quy mô thị trường chung thì cách tốt nhất các cơ quan chức năng nên xây dựng chỉ số mới cho tất cả các cổ phiếu của cả hai sàn HOSE và HNX hiện nay.

Thực tế thì việc này đã được triển khai và bộ chỉ số VNX-Index đại diện cho cả hai sàn có cả một hội đồng làm, chỉ là đến nay tính hữu dụng (tính tham khảo và tính ứng dụng) chưa cao.

Còn nếu muốn giữ nguyên như hiện nay thì nên thay đổi cổ phiếu thành phần VN30-Index và các vấn đề liên quan (như thay đổi cách tính giá cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index của VSD).

Mục đích cuối cùng phải là có một chỉ số đúng nghĩa làm phong vũ biểu cho thị trường và cả nền kinh tế, đồng thời về mặt kỹ thuật phải có tính tham khảo và ứng dụng cao.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sinh sau đẻ muộn nên có lợi thế là có thể học hỏi từ các thị trường phát triển.

Chỉ số đầu tiên trên thế giới là Dow Jones ra đời năm 1889 với mục đích giúp mọi người biết được phác đồ và nhịp đập của TTCK Hoa Kỳ. Kể từ đó, mục tiêu tạo lập và sử dụng chỉ số ngày càng phát triển như chỉ số làm định chuẩn, dùng để quảng bá hình ảnh, để theo dõi đầu tư, để nghiên cứu về thị trường, để tạo lập và định giá các phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn...

Chỉ số Dow Jones cũng có 30 cổ phiếu thành phần như VN30-Index. Không có những tiêu chí rõ ràng cổ phiếu nào đủ điều kiện để trở thành thành phần của Dow Jones, mà chỉ chung chung là “cổ phiếu của công ty danh tiếng, tăng trưởng bền vững, được một số lượng lớn các nhà đầu tư quan tâm, được thành lập tại Hoa Kỳ, có thị giá cao, có trụ sở chính và doanh thu phần lớn từ Hoa Kỳ...”. Thành phần của Dow Jones không có cổ phiếu ngành vận tải (transportation) và dịch vụ công ích (utility).

Nếu như cổ phiếu thành phần của VN30-Index được niêm yết trên HOSE thì cổ phiếu thành phần của Dow Jones được niêm yết trên thị trường NASDAQ và Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE). Dù chỉ có 30 cổ phiếu thành phần nhưng Dow được cho là phản ảnh tốt nhất sức khoẻ của kinh tế Mỹ.

VN30-Index có là phong vũ biểu tốt cho kinh tế Việt Nam? Chỉ số này có mức độ tương quan khá cao với VN-Index. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa VN30-Index “thay” VN-Index để làm phong vũ biểu tốt cho nền kinh tế.

VN30-Index có tới 12 mã thuộc lĩnh vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và một số mã thuộc các nhóm ngành bất động sản và bản lẻ, trong khi các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế như công nghiệp và xuất khẩu… thì vắng bóng.

Diễn biến của VN-Index và VN30-Index

Điều đáng nói ở đây là cách tính trọng số của cổ phiếu thành phần trong Dow Jones hoàn toàn khác với VN30-Index; Dow Jones tính trên thị giá cổ phiếu (tương tự như Nikkei 225 của Nhật Bản), còn VN30-Index tính theo vốn hoá.

Nói cách khác Dow Jones là chỉ số trọng số giá (PWI), còn VN30-Index là chỉ số trọng số giá trị vốn hoá. Ví dụ Dow Jones chỉ có bốn cổ phiếu thành phần A, B, C và D với thị giá hiện tại lần lượt là $5, $10, $15 và $20 thì tỷ trọng (weight) của A = 5/(5 + 10 + 15 + 20) = 10%, của B = 10/(5 + 10 + 15 + 20) = 20%...

Nếu VN30-Index là Dow Jones thì có thể VHC hoặc HAH sẽ được xem là cổ phiếu thành phần của VN30-Index. Lúc này, cho dù hai cổ phiếu này có bị “tàu lượn” do VN30-Index bị short chỉ số, bị các quỹ tham chiếu (track) chỉ số VN30-Index mua vào bán ra mỗi kỳ tái cơ cấu… cũng không làm VN-Index suy suyển (VHC và HAH có thị giá cao nên chỉ ảnh hưởng đến VN30-Index, chứ đối với VN-Index thì hai cổ phiếu này chiếm tỷ trọng không hề đáng kể).

Tóm lại, VN_Index hiện là chỉ số phổ biến nhất đối với các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam nhưng nhiều lúc lại bị “bóp méo” do sự “điều khiển” của một nhóm nhỏ cổ phiếu có vốn hoá lớn, do VN30-Index bị short (hợp đồng tương lai chỉ số tham chiếu rổ VN30-Index), và do nhiều quỹ tái cơ cấu khi đến kỳ.

Loại bỏ những “lệch lạc” này là cần thiết để thị trường fair play hơn, và xa hơn là hình thành một chỉ số có thể là phong vũ biểu cho nền kinh tế, có tính hữu dụng cao.

Các lựa chọn được đặt ra bao gồm loại VN30-Index ra khỏi VNIndex và đưa VNX-Index đi vào cuộc sống, thay đổi rổ cổ phiếu thành phần của VN30-Index và cách tính trọng số của cổ phiếu thành phần này trên cơ sở tham khảo Dow Jones.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm