Theo Mirae Asset Research, việc tỷ lệ bao phủ vắc xin tại Việt Nam đạt trên 70% và Chính phủ Việt Nam tiến hành mở cửa trở lại nền kinh tế đã giúp cho mức tiêu thụ bia được phục hồi. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của ngành giảm do giá của các nguyên vật liệu đều đang ở mức cao, trong đó có mạch nha, hương liệu, đường, nhôm và nhựa dưới sự ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine.
Hiện nay đồ uống có cồn tại Việt Nam đang phải chịu 3 loại thuế bao gồm thuế nhập khẩu (5 - 80%), thuế giá trị gia tăng (10%) và thuế tiêu thụ đặc biệt (50 – 60%). Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bia ngày càng gay gắt hơn khiến ngành bia vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nhìn vào ba tháng đầu năm có thể thấy các doanh nghiệp bia có bức tranh kinh doanh phân hoá.
Ông lớn Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) đã lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn bình thường mới ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế tăng tương ứng 24,7% và 25,4%. Doanh nghiệp cho biết việc mở cửa trở lại sau giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh cùng với chương trình khuyến mãi tập trung cho sự kiện Tết Nguyên Đán và kiểm soát tốt các chi phí giúp Sabeco ghi nhận kết quả khả quan như trên.
Năm nay, Sabeco lên mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 4.581 tỷ đồng. Như vậy sau quý I, tổng công ty đã thực hiện được 21% chỉ tiêu doanh thu và gần 27% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
SSI Research cho biết đã có hai đợt tăng giá lớn ở tất cả các thương hiệu của Sabeco trong 6 tháng qua (tháng 12/2021 và giai đoạn tháng 3 đến tháng 4/2022). Tuy nhiên, mức tăng vẫn dưới 10%, nhưng cao hơn đáng kể so với mức tăng trước đó (khoảng 2% -3% đối với một số thương hiệu) do áp lực chi phí. Ban lãnh đạo tin tưởng rằng công ty có thể duy trì biên lợi nhuận gộp quanh mức 29% như hiện tại trong thời gian còn lại của năm, cao hơn mức biên lợi nhuận gộp trước Covid nhờ việc đảm bảo được nguyên liệu thô trong năm.
Vừa qua, doanh nghiệp đã hoàn thành việc mở rộng hai nhà máy đó là Nhà máy bia Lâm Đồng với công suất 100 triệu lít/năm và Nhà máy bia Quảng Ngãi với công suất 250 triệu lít/năm (tăng gấp đôi công suất trước đây). Việc mở rộng này sẽ đáp ứng được mức tăng trưởng dự kiến của doanh nghiệp trong hai năm tới. Tổng công suất của Sabeco là hơn 2 tỷ lít/năm. Tuy nhiên, trong suốt 2 năm qua, các nhà máy đều hoạt động ở mức 60 - 80% công suất thiết kế do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp cùng ngành khác ghi nhận xu hướng tương tự khi cả doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng nhờ sản lượng và giá bán tăng là Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi (BSQ), Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB), Bia Sài Gòn - Sông Lam (BSL), Bia Sài Gòn - Hà Nội (BSH) và Habeco - Hải Phòng (HBH). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp như Bia Hà Nội - Thanh Hóa (THB) và Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD) mặc dù vẫn ghi nhận lợi nhuận âm nhưng mức âm đã được cải thiện hơn so với kỳ trước.
Riêng Bia Sài Gòn - Bạc Liêu (SBL) mặc dù doanh thu giảm 19% nhưng lãi sau thuế lại đạt 0,4 tỷ đồng trong khi kỳ trước là lỗ 2,7 tỷ đồng. Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp được mở rộng từ 3,8% lên 10,8% đồng thời các chi phí trong kỳ được tiết giảm đáng kể đã giúp doanh nghiệp cải thiện kết quả kinh doanh.
Ông lớn thứ hai của ngành sản xuất bia Việt Nam trong nhóm niêm yết là Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco – Mã: BHN) lại ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi. Trong quý I/2022, mặc dù triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nhưng sản lượng sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp vẫn chỉ đạt 90% so với cùng kỳ.
Doanh thu của Habeco chưa bằng 1/5 còn lợi nhuận chỉ bằng 3% của đối thủ Sabeco và tương ứng giảm 1,5% và 27% so với cùng kỳ năm 2021. Lý giải cho sự sụt giảm lợi nhuận, doanh nghiệp cho biết do áp lực giá cả nguyên vật liệu tăng mạnh tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu cùng như tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của của toàn hệ thống Habeco.
Biên lợi nhuận gộp kỳ này của Habeco đã được cải thiện từ 24% lên 26% tuy nhiên vẫn thấp hơn so với Sabeco. Trong kỳ, các chi phí phát sinh tăng nhưng không đáng kể, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vẫn cao hơn kỳ trước. Tuy nhiên, sự sụt giảm của lợi nhuận khác từ 25 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng đã khiến lãi trước thuế giảm 27,5% xuống còn 35 tỷ đồng.
Năm nay, Habeco mục tiêu doanh thu đạt 6.605 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 221 tỷ đồng, lần lượt giảm 5% và giảm gần 32% so với kết quả thực hiện năm 2021. Như vậy sau quý đầu tiên của năm 2022, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được 20,5% mục tiêu doanh thu và 15,6% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Trước đó, Habeco cho biết bên cạnh những khó khăn chung của các doanh nghiệp ngành bia, Habeco còn chịu nhiều sức ép từ các đối thủ cạnh tranh như Sabeco và Heineken khi hai doanh nghiệp này đang chú trọng vào các chương trình thúc đẩy bán hàng đối với các sản phẩm phổ thông – phân khúc thị trường chính của Habeco.
Các doanh nghiệp khác như Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB) và Habeco Trading (HAT) ghi nhận lợi nhuận giảm tương ứng 14,3% và 20%. Bia Sài Gòn - Phú Thọ (BSP) quý này ghi nhận khoản lỗ là 4,9 tỷ đồng trong khi quý I/2021 chỉ lỗ 2,5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này cho biết sự sụt giảm lợi nhuận do sản lượng tiêu thụ giảm và giá nguyên vật liệu tăng.