Trong 11 năm liên tiếp, sự "nóng lên" của Bắc Cực được ghi nhận xảy ra mạnh mẽ hơn so với phần còn lại của thế giới. Sự thay đổi này được cho là sẽ mang lại một hậu quả dây chuyền cho ít nhất là hệ sinh thái, động vật hoang dã, và cư dân tại vùng này.
Bắc Cực đang thay đổi tiêu cực
Theo báo cáo thường niên về Bắc Cực do Cơ quan Khí tượng và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) vừa công bố, các quan sát về các biểu hiện khí hậu cực đoan liên tục tại khu vực này đang phản ánh một "tình trạng" mới. Đây là kiểu khí hậu biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ, khác biệt đáng kể so với những gì từng diễn ra trong thế kỷ 20.
"Tình trạng mới này không giống như một điều bình thường mới", bà Twila Moon, một nhà khoa học chuyên về băng tại Trung tâm Dữ liệu băng tuyết quốc gia (Mỹ), cũng là một trong những tác giả của báo cáo nói trên, cho biết.
Một trong những biểu hiện là trong 15 năm qua, mùa tuyết ở Bắc Cực đã diễn biến ngắn hơn từ 1 - 2 tuần so với mức thường được ghi nhận trong lịch sử, dẫn tới thời gian và tính chất các mùa cũng thay đổi theo. Cụ thể, trong năm 2024, một số khu vực của Bắc Cực thuộc Canada đã trải qua mùa tuyết ngắn hơn nhiều, trong khi một số khu vực của Bắc Cực ở lục địa Á - Âu lại có tuyết dài hơn.
Phải vật lộn với những thay đổi môi trường sống do biến đổi khí hậu cũng như tác động của con người, quần thể tuần lộc di cư ở Bắc Cực đã giảm khoảng 65% kể từ khi đạt đỉnh vào những năm 1990 và 2000.
Sự suy giảm số lượng tuần lộc đã tạo ra thách thức lớn đối với các cộng đồng bản địa trong khu vực. Loài vật này không chỉ là nguồn lương thực mà còn là biểu tượng văn hóa và cầu nối gắn kết giữa các cộng đồng.
"Thời điểm lý tưởng để hành động quyết đoán là 40 năm trước. Nhưng thời điểm tốt nhất tiếp theo chính là ngay bây giờ", Brendan Rogers, chuyên gia nghiên cứu Bắc Cực tại Trung tâm Nghiên cứu khí hậu Woodwell, nhấn mạnh. Ông cũng là một trong những tác giả của báo cáo đã nêu.
Cần ý tưởng để hồi phục Bắc Cực
Năm 2024, Bắc Cực ghi nhận mức nhiệt độ không khí bề mặt cao thứ hai kể từ năm 1900. Đồng thời, nhiệt độ biển Bắc Cực trong tháng 8-2024 cũng cao hơn khoảng 2 - 4oC so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020. Những biến đổi này đã góp phần làm phạm vi băng biển trong khu vực tiếp tục suy giảm đáng kể.
"Về cơ bản, băng đã chuyển từ một lớp băng sang một đống băng nhão", ông Walter Meier, chuyên gia về băng biển, cũng là tác giả của báo cáo, thông tin.
Tình trạng băng tan đã tạo điều kiện cho lưu lượng vận chuyển bằng tàu thuyền qua Bắc Cực trên tuyến đường Biển Bắc đạt mức kỷ lục. Đáng chú ý, một tàu container lớn của Trung Quốc đã trở thành tàu đầu tiên hoàn thành chuyến hải trình qua khu vực này.
-
Ngày dài ra với tốc độ 'chưa từng có' khi băng tan ở 2 cựcĐỌC NGAY
Để đối phó với tình trạng băng tan, đội ngũ tại Trung tâm Cải thiện khí hậu của Đại học Cambridge (Anh) đang thực hiện ý tưởng làm dày băng biển mà nhiều nhà khoa học nhận định là "khá điên rồ".
Theo ghi nhận từ Đài BBC vào tháng 3-2024, nhóm nghiên cứu này đã thử nghiệm vào mùa đông bằng cách khoan lỗ trên lớp băng biển tự nhiên. Tại mỗi lỗ khoan, họ bơm khoảng 1.000 lít nước biển mỗi phút lên bề mặt, nhằm thúc đẩy quá trình làm dày băng.
Khi tiếp xúc với không khí lạnh mùa đông, nước biển nhanh chóng đóng băng, làm dày thêm lớp băng trên bề mặt. Đồng thời nước cũng nén chặt tuyết, làm giảm vai trò cách nhiệt của tuyết. Nhờ đó, băng dưới biển có điều kiện thuận lợi để hình thành dễ dàng hơn.
"Chúng ta thực sự chưa có đủ dữ liệu để khẳng định đây là một ý tưởng tốt hay tồi", TS Shaun Fitzgerald, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Cambridge, thừa nhận.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã quan sát thấy băng trong khu vực thử nghiệm dày lên vài chục centimet. Trong những tháng tới, người dân địa phương sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến để đánh giá hiệu quả của phương pháp này.
Bắc Cực giải phóng nhiều CO2 hơn
Suốt hàng ngàn năm, cảnh quan đặc trưng của đài nguyên Bắc Cực với cây bụi, băng vĩnh cửu và đất đóng băng đã đóng vai trò như một bồn chứa CO2 tự nhiên, nhờ khả năng hấp thụ và lưu trữ khí nhà kính hiệu quả.
CO2 là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính, khi tồn tại trong khí quyển, nó tạo ra một lớp "bẫy nhiệt", giữ nhiệt lượng từ Mặt trời và góp phần làm nhiệt độ Trái đất gia tăng, dẫn đến hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Tuy nhiên, khi khí hậu ấm lên làm băng tan như hiện nay, các loài vi sinh vật trong lớp băng vĩnh cửu đã tan sẽ lộ ra và phân hủy lượng carbon được lưu trữ từ trước đến nay thành CO2 và metan. Cả hai loại khí giữ nhiệt này theo đó sẽ được giải phóng nhiều hơn vào khí quyển, khiến tình trạng ấm lên toàn cầu trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, sự gia tăng về tần suất và cường độ các vụ cháy rừng ở Bắc Cực cũng góp phần quan trọng vào việc giải phóng lượng lớn CO2 vào khí quyển, làm gia tăng áp lực đối với hiện tượng ấm lên toàn cầu.