Những ngày vừa qua, câu chuyện cháu bé 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón ở TP. Thái Bình khiến dư luận rúng động. Nhiều phụ huynh có con đang đến trường bằng xe của trường học không khỏi lo lắng.
Trong tâm trạng lo sợ đó, một bà mẹ ở Hà Nội có con đang học tại một trường mầm non tư thục đã nhắn tin với chủ trường đề xuất ý kiến và xin số điện thoại của trường hoặc của cô giáo, trong trường hợp con có việc gấp. Chị cho biết, bình thường mình hay theo dõi con qua camera và nhắn tin cho cô giáo hoặc thầy quản lý nhưng trả lời rất lâu.
Trong đoạn tin nhắn, người mẹ cho biết mình rất đau lòng trước vụ việc và cho biết, trường học hiện tại của con không có dịch vụ đưa đón nhưng đang làm rất tốt việc quản lý học sinh và thông báo trên app điện thoại. Tuy nhiên, chị đề xuất nhà trường bổ sung thêm chụp hình đón và trả bé. Đồng thời, chị nhờ thầy gửi giúp số điện thoại hotline hoặc số giáo viên chủ nhiệm để trong trường hợp có vấn đề gì phụ huynh biết để liên lạc.
"Mẹ không có một số điện thoại của cô giáo nào của trường ngoài zalo hay facbebook mà nhiều khi các cô bận chăm bé nên nhắn tin mãi mới trả lời", chị nói.
Trước yêu cầu của phụ huynh, thầy giáo cảm ơn và ghi nhận sự góp ý, đồng thời gửi số hotline, cũng là số của mình. Thầy giáo cũng nhắn thêm: "Mẹ để ý trong tất cả thông báo của trường đều có số hotline bên trên nha mẹ. Có lẽ mẹ không để ý thôi ạ". Không ngờ, bà mẹ này trả lời: "Mẹ nghĩ nên thông báo chứ không nên để phụ huynh tự đi tìm thầy ạ. Không phải phụ huynh nào cũng có thời gian mỗi ngày đọc kĩ từng thông báo".
Bà mẹ này còn nói thêm: "Mẹ chia sẻ thật với thầy, mẹ có tải app của trường, cũng có group của trường nhưng công việc quá nhiều nên đôi khi mẹ không để ý các thông báo cũng như đọc các tin nhắn của group. Mẹ chỉ đang xin thầy số điện thoại của cô hoặc số điện thoại tiện liên lạc trong trường hợp có việc gấp. Mẹ nghĩ việc này cũng không khó khăn gì".
Cách hồi đáp của thầy giáo khiến bà mẹ này không hài lòng. "Mình không biết mình nhạy cảm hay thầy ấy nhạy cảm nữa", người mẹ viết, kèm hình ảnh "bóc phốt" trường trên mạng xã hội.
"Xin đừng coi thầy cô như "giúp việc"
Tưởng nhận được những bình luận đồng cảm, tuy nhiên, bà mẹ kia lại bị "ném đá" lia lịa. Đa số phụ huynh đều cho rằng, trong trường hợp này thầy giáo không có gì sai. Cách thầy trả lời tin nhắn cũng rất đàng hoàng, lịch sự.
Thông báo của nhà trường thì phụ huynh phải đọc kỹ, hành động này không mất bao nhiêu thời gian. Mất chút công sức xem lại thông tin là có ngay nhưng phụ huynh không làm. Trong khi thời gian đi hỏi kia còn lâu hơn tự tìm. Hơn nữa, bây giờ hầu hết lớp nào cũng có nhóm chung, nên số điện thoại của cô chủ nhiệm mà mẹ cũng không nắm được, phải hỏi cả chủ trường thì cũng phải trách mẹ phần nhiều. Con mình mà mình còn không dành thời gian quan tâm vậy thì làm sao bắt thầy nọ cô kia phải để ý.
"Thầy không nhạy cảm, mẹ cũng không nhạy cảm. Mẹ đang có vấn đề về nhận thức đấy ạ. Đọc thông báo của con còn ngại thì mẹ cẩn thận chú tâm vào được việc gì nữa. Không lưu số điện thoại hotline, nhưng có chuyện gì thì đổ cho trường đầu tiên. Xin hãy phối hợp với nhà trường và thầy cô, xin đừng coi thầy cô như "giúp việc", một phụ huynh nói.
Nhiều người nêu ý kiến, bố mẹ lúc nào cũng muốn thầy cô phải chu đáo, chu toàn, tỉ mỉ, tinh tế với con... thì chính bản thân bố mẹ phải làm được việc đó trước! Nhiều khi giáo viên nhắn việc mà bố mẹ quên, không đọc, không biết... thì làm sao mà phối hợp nhịp nhàng với nhau. Ai cũng bận cả, nhưng mỗi gia đình chỉ 1 - 2 con, còn các cô thầy phải chăm sóc cả vài chục, vài trăm em. Nếu cứ giải quyết riêng từng bố mẹ vậy sẽ không kham nổi, họ cũng còn gia đình và con cái.
Hiện vụ việc vẫn đang gây tranh cãi.