Thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung khởi đầu năm 2022 với tâm lý hết sức hưng phấn. VN-Index kết phiên 6/1 ở đỉnh lịch sử 1.528 điểm.
Ở Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lập kỷ lục xấp xỉ 36.800 điểm vào phiên 4/1, S&P 500 đóng cửa ở đỉnh gần 4.797 điểm vào hôm 3/1. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 cũng lên đỉnh vào phiên 5/1.
Tuy nhiên, bức tranh thị trường vào ngày 26/9 lại hoàn toàn khác biệt ngày đầu năm với nhiều gam màu xám xịt. VN-Index lao dốc xấp xỉ 29 điểm trong phiên đầu tuần vừa qua, tương đương mất 2,4%, và một lần nữa quay lại dưới mốc 1.200 điểm.
Dow Jones và S&P 500 đã mất lần lượt 23% và 19,6% so với đỉnh thiết lập hồi đầu năm. Chứng khoán châu Âu cũng đã giảm hơn 20% so với kỷ lục trong tháng 1.
Việc chứng khoán Mỹ sa sút được cho là vì tỷ lệ lạm phát cao dai dẳng ở vùng 8-9%, nghiêm trọng nhất trong 4 thập kỷ gần đây. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã phải 5 lần nâng lãi suất liên tiếp thêm tổng cộng 300 điểm cơ bản (bps) trong nửa năm qua, trong đó có ba lần tăng 75 bps liền nhau, để kìm hãm đà tăng của giá.
Chi phí vay mượn tăng nhanh là một trong những lý do khiến cho GDP của Mỹ suy giảm trong cả hai quý đầu năm 2022.
Tại châu Âu, các nền kinh tế từ lớn đến nhỏ đều đang phải vật lộn với khủng hoảng năng lượng và các bất ổn kinh tế - chính trị liên quan tới cuộc xung đột Nga – Ukraine. Nguy cơ suy thoái kinh tế cũng hiện hữu không kém gì ở Mỹ.
Trong khi đó tại Việt Nam, tình hình chính trị ổn định, năng lượng không thiếu hụt, rủi ro suy thoái khá xa vời khi GDP của quý I và II đều tăng trưởng dương, Ngân hàng Nhà nước mới tăng lãi suất một lần vào ngày 22/9, khu vực lân cận không có chiến tranh, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, …
Vậy nhưng VN-Index hiện đang thấp hơn 21,6% so với đầu năm, tương đương với mức giảm của các chỉ số chứng khoán Âu – Mỹ và đang chìm trong vùng thị trường gấu. Riêng trong tháng 9 (tính đến hết 26/9), VN-Index đã mất 8,3% và khối ngoại đã bán ròng hơn 2.900 tỷ đồng.
Tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” do Trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (vietnambiz.vn), Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) và Công ty Cổ phần WiGroup phối hợp tổ chức sáng nay 27/9 sẽ giúp nhà đầu tư hiểu thêm về diễn biến thị trường 9 tháng đầu năm 2022 cũng như có các chiến lược phân bổ tài sản hợp lý, tiêu chí lựa chọn cổ phiếu an toàn và hiệu suất tốt, mang lại giá trị cho nhà đầu tư và chung tay phát triển một thị trường vốn lành mạnh.
Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế; ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup; ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT; cùng sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia, quỹ đầu tư, …
Toạ đàm sáng 27/9 sẽ tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính gồm:
+ Đánh giá tác động của chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, làm lành mạnh thị trường chứng khoán đến dòng vốn đầu tư
+ Những biến số vĩ mô tác động đến thị trường chứng khoán trong quý IV/2022 và cả năm 2023
+ Triển vọng dòng tiền vào thị trường chứng khoán
+ Triển vọng kinh doanh các ngành, một số lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng
+ Ý tưởng đầu tư, chiến lược phân lớp tài sản phù hợp cho năm 2023.
Tọa đàm cũng được tường thuật trực tiếp trên Fan Page: https://www.facebook.com/TintucVietnamBiz/