Các dự án tỉnh Bình Phước kêu gọi đầu tư thuộc 13 nhóm lĩnh vực, gồm phát triển hạ tầng khu công nghiệp và dân cư; phát triển cụm ngành điều; phát triển cụm ngành chế biến gỗ - cao su; phát triển cụm ngành chế biến trái cây; phát triển cụm ngành công nghiệp hỗ trợ - chế tạo; phát triển cụm ngành dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu nông sản; dự án đầu tư xây dựng chợ, trung tâm thương mại; dự án lĩnh vực giáo dục, y tế; lĩnh vực đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch; dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; các dự án công nghệ cao; các dự án năng lượng tái tạo; các dự án xử lý chất thải rắn...
Một số dự án lớn được tỉnh Bình Phước kêu gọi đầu tư trong giai đoạn này gồm có dự án Khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú, tổng diện tích 6.300 ha, số vốn đầu tư 5 tỷ USD; Nhà máy điện năng lượng mặt trời huyện Lộc Ninh, diện tích 3.000 ha, vốn đầu tư 2,4 tỷ USD; Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp và sân golf thành phố Đồng Xoài, diện tích 1.700 ha, tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD; Dự án khu dân cư huyện Đồng Phú, diện tích 2.000 ha, vốn đầu tư 2 tỷ USD; Dự án khu phức hợp sân golf, đô thị và thương mại Suối Giai, diện tích 2.000 ha, vốn đầu tư 1,3 tỷ USD; Nhà máy điện năng lượng mặt trời huyện Hớn Quản, diện tích 1.000 ha, vốn đầu tư 800 triệu USD; Khu công nghiệp Long Hà, huyện Phú Riềng, diện tích 524 ha, vốn đầu tư 520 triệu USD; Khu công nghiệp Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, diện tích 500 ha, vốn đầu tư 500 triệu USD…
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư trên 28.000 ha; có có 9 cụm công nghiệp; trong đó, có 1 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và 8 cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư. Hiện tỉnh Bình Phước đang kiến nghị mở rộng diện tích 3 khu công nghiệp thêm 2.500 ha; quy hoạch đất để thành lập mới khu công nghiệp với diện tích 5.500 ha.
Với lợi thế về quỹ đất lớn và là trung tâm kết nối giao thông của Tây Nguyên – Campuchia – Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện nay tỉnh Bình Phước được đánh giá là địa bàn chiến lược, chuyển từ vị trí “dự trữ phát triển” đang trở thành “động lực phát triển” của vùng Đông Nam Bộ.