Sáng 13/5, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024.
Lãnh đạo Vinatex nhận định trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới có những tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên theo dự báo của các tổ chức kinh tế lớn, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 chỉ tương đương hoặc thấp hơn năm 2023 và tiềm ẩn những rủi ro.
Vinatex nhìn nhận ngành dệt may Việt Nam có cơ hội phục hồi, khi tổng cầu tăng, môi trường kinh tế trong nước ổn định, cơ hội tăng đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia cạnh tranh do bất ổn địa chính trị tại nước này (đảo chính tại Myanmar, công nhân đình công tại Bangladesh...).
Thực tế trong quý I/2024, đơn hàng đã có dấu hiệu phục hồi về số lượng, tuy nhiên giá chưa tăng so với quý IV năm 2023, có mặt hàng còn tiếp tục giảm 5-10%về giá, hiệu quả chưa cải thiện. Quý II, tình hình như quý I, phải đến quý III, IV khả năng mới có dấu hiệu cải thiện khi các nền kinh tế lớn chuyển từ chính sách thắt chặt sang nới lỏng tiền tệ, kích thích tổng cầu, lãnh đạo Vinatex dự báo.
Song ngành dệt may vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng và giá chưa phục hồi một cách ổn định trong khi chi phí đầu vào tăng cao.
Vinatex thông tin về hàng tồn cho các hãng thời trang tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với năm 2019 - thời điểm trước dịch, áp lực giảm giá lan rộng toàn chuỗi cung ứng, đơn hàng nhỏ, không ổn định, độ khó cao, thời gian giao hàng ngắn do lo ngại rủi ro trong logistic, nguồn cung nguyên liệu chậm chỗ... khiến doanh nghiệp khó sắp xếp sản xuất, năng suất thấp.
Công suất các nhà máy đệt may Trung Quốc đến cuối năm 2023 mới chỉ đạt 60% nên sẽ duy trì các chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng dệt may nội địa khiến hàng dệt may Việt Nam rất khó cạnh tranh, đặc biệt là sợi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Các doanh nghiệp sợi có hiệu quả kém tích cực năm 2023 phải tiếp cận vốn vay với mức lãi vay cao, chi phí vốn tăng. Tỷ giá tăng cao khi Fed vẫn duy trì lãi suất cao (5,25 - 5,5%) từ cuối năm 2023 và thời điểm giảm lãi suất chưa được ấn định. Tỷ giá đã tăng 2,8% trên hệ thống ngân hàng và 4% đối với thị trường tự do kể từ đầu năm. VCBS dự báo VND có thể giảm giá khoảng 3% so với USD trong năm 2024 (tỷ giá mua bán ở mức 24.800 - 25.150) gây lỗ tỷ giá cho doanh nghiệp. Nếu tỷ giá ở mức này, Vinatex sẽ phát sinh lỗ tỷ giá khoảng 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, giá năng lượng và chi phí vận chuyển tăng do bất ổn địa chính trị, tình hình căng thẳng Biển đỏ..., thời gian giao hàng, chi phí bảo hiểm, chi phí cảng biển cũng tăng theo. Trong tháng 1/2024, chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ và châu Âu đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 12/2023. Yêu cầu thời gian giao hàng giảm từ 120 - 140 ngày xuống 80 - 90 ngày.
Theo ước tính của Vinatex, sự kiện Biển đó có thể làm tăng chi phí vận chuyển của Vinatex thêm 95 tỷ đồng do dự kiến giá vận chuyển tăng gấp đôi 2023.
Ngoài ra, tiền lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 cùng giá điện dự báo sẽ tăng ít nhất 4,5% trong năm 2024 cũng là những khó khăn mà ngành phải đối mặt.
Ngành dệt may cũng đối diện với nhiều thách thức từ các yêu cầu sản xuất mới: Cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất ERP, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM, các chứng chỉ phi tài chính từ yêu cầu của khách hàng, các quy định thẩm định chuỗi cung ứng bền vững....
Lãnh đạo tập đoàn dự kiến ngành dệt may có thể thể cải thiện vào nửa cuối năm 2024, đặc biệt ở thị trường Mỹ. Còn ngành sợi chưa có tín hiệu phục hồi do nhu cầu yếu từ Trung Quốc và bị cạnh tranh gay gắt về giá với Ấn Độ.
Với các dự báo về thị trường như trên, năm nay, Vinatex lên kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất là 17.900 tỷ, lợi nhuận trước thuế 550 tỷ; tăng lần lượt 1,6% và 2,1% so với thực hiện năm 2023.
Riêng công ty mẹ, mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập là 2.070 tỷ, lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng; tăng lần lượt 3% và 2,1% so với năm ngoái.
Rủi ro thị trường quá cao. Vinatex chỉ có tháng 3 và tháng 4 làm sợi không lỗ thì lại nhìn thấy tháng 6 sắp sửa lỗ. Bởi vì tháng 6 mua bông tháng 2 thì giá khoảng 2,6 USD/pound còn bây giờ khách hàng đang thoả thuận giá mua mới từ 1/5 tới giờ. Nên chắc chắn từ tháng 6 trở đi là chúng tôi khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi đặt kế hoạch trình ĐHĐCĐ ở mức độ nhìn % tăng trưởng thì khiêm tốn nhưng thực sự để đạt những con số này năm nay không dễ.
Các đơn vị đều có hạn mức tín dụng bé hơn so với năm trước, yêu cầu tốc độ xoay chuyển dòng vốn phải nhanh hơn năm trước rất nhiều. Đây là áp lực lớn trong năm nay.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT của Vinatex
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Vinatex đề xuất trích 19 tỷ vào quỹ khen thưởng phúc lợi, 900 triệu đồng vào quỹ khen thưởng người quản lý và dự kiến không chia cổ tức năm 2023.