Sáng ngày 15/4, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 để thảo luận về các kết quả và định hướng kinh doanh, kế hoạch mở rộng, phát hành cổ phiếu tăng vốn...
Tổng giám đốc Lê Trí Thông phát biểu doanh nghiệp đã có tăng trưởng lợi nhuận và mở rộng mạng lưới để tạo nền tảng cho năm 2024, dù các đơn vị khác vẫn đang co cụm. Đây là những chỉ dấu, nguồn lực sức bật cho những năm sau, PNJ phấn đấu có giá thị thương hiệu tỷ USD trong các doanh nghiệp vàng.
Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung nhìn nhận bức tranh kinh doanh 2024 vẫn chưa sáng, công ty quán xuyến bất cứ biến động nhỏ nào có thể biến động đến giá vàng để có giải pháp phù hợp. Nền kinh tế có sự phục hồi nhưng chưa được như kỳ vọng. Giá vàng tăng thì tài sản tăng cũng gây áp lực lớn cho doanh nghiệp.
Định hướng 2024 bổ sung thêm yếu tố phát triển kinh doanh mới, mở thêm các cửa hàng ở các khu vực mới để thu hút khách hàng mới ở các vùng sâu hơn, dù vậy vẫn phải tối ưu hiệu quả trên từng m2.
“Hiện nay giá trị thương hiệu công ty đạt gần 500 triệu USD và tôi đang đặt hàng đạt 1 tỷ USD. PNJ cũng xây dựng các hoạt động ESG để tăng thêm giá trị thương hiệu công ty”, bà Dung phát biểu.
Trong năm 2023 đã cắt giảm nhiều chi phí để có tăng trưởng lợi nhuận 8%, do đó trong năm 2024 khó có thể cắt giảm thêm. Thị trường vàng đang biến động nhiều hơn, những mặt hàng mới như vàng miếng có doanh số tăng nhưng biên lợi nhuận thấp hơn ảnh hưởng đến lợi nhuận chung.
Thực tế, trong quý I lợi nhuận giảm 1% dù quý này thông thường tăng trưởng cao. Lãnh đạo PNJ còn cho biết gặp khó khăn về nguyên liệu đầu, có thời điẻm không đủ để chế tác hàng hóa và thị trường chung vẫn còn là ẩn số.
Dự kiến lần đầu lãi vượt 2.000 tỷ đồng
Trong năm 2024, ban lãnh đạo PNJ đặt mục tiêu doanh thu 37.147 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 6% lên 2.089 tỷ đồng, đều là các con số kỷ lục nếu đạt được.
Phía công ty đánh giá bức tranh kinh tế vĩ mô còn đối mặt với nhiều khó khăn. Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức khi là một nền kinh tế có độ mở lớn, hoạt động bán lẻ tiêu dùng, sức mua chung có thể chưa phục hồi như kỳ vọng trong năm nay.
Công ty muốn tối ưu hóa doanh thu tại các cửa hàng, tối ưu chi phí vận hành; đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số, làm mới trải nghiệm và thử nghiệm các mô hình tiếp cận khách hàng hiện đại, thúc đẩy các tiêu chí ESG...
Năm ngoái, PNJ là một trong số ít các công ty bán lẻ vẫn giữ được đà tăng trưởng trong lợi nhuận. Dù doanh thu giảm nhẹ 2% còn 33.137 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế vẫn tăng gần 9% lên mức kỷ lục 1.971 tỷ đồng, nhờ chuyển dịch cơ cấu dòng hàng để cải thiện biên lợi nhuận.
Năm qua công ty cũng đã mở thêm được 48 cửa hàng, nâng tổ số lên 400 vào cuối 2023. Trong 2 tháng đầu năm nay, công ty tiếp tục mở thêm 2 cửa hàng nâng tổng số lên 402.
Với kết quả khởi sắc, Hội đồng quản trị dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20% (tổng số tiền cần thanh toán 669 tỷ đồng). Doanh nghiệp đã tạm ứng đợt 1/2023 tỷ lệ 6% và sẽ còn trả thêm 14%.
Công ty lấy ý kiến phát hành thêm 3,3 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành cho cán bộ nhân viên có đóng góp tích cực trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2023. Giá chào bán 20.000 đồng/cp, trong khi thị giá đang xấp xỉ 100.000 đồng/cổ phiếu.
PNJ còn trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu ESOP năm 2024 dựa trên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong giai đoạn 2018-2023. Số lượng dự kiến 1,8 triệu cổ phiếu tại mức giá 20.000 đồng/cp.
Đối tượng phát hành/tiêu chí phát hành là 3 lãnh đạo chủ chốt đã có nhiều đóng góp trụ cột cho thành tích vượt trội của PNJ trong giai đoạn từ 2018-2023 gồm Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung, CEO Lê Trí Thông và Giám đốc tài chính Đặng Thị Lài.
Tiếp tục cập nhật...