Cầu Thủ Thiêm 4 nối Tp.Thủ Đức với quận 7 và cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ là hai trong số 10 dự án giao thông quan trọng sẽ được trình xin chủ trương đầu tư tại kỳ họp HĐND Tp.HCM giữa năm 2024.
Theo Sở GTVT, dự án cầu Thủ Thiêm 4 và cầu Cần Giờ hiện đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Nếu được Hội đồng nhân dân Tp.HCM thông qua vào kỳ họp giữa năm 2024, hai cây cầu này sẽ khởi công dịp 30/4/2025.
Cầu Thủ Thiêm 4 có điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại khu vực giao với đường dẫn cầu Tân Thuận 2, quận 7. Điểm cuối dự án kết nối với đường Nguyễn Cơ Thạch tại nút giao thông đường R4 (TP Thủ Đức).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.030 tỉ đồng (bao gồm lãi vay) được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó vốn ngân sách góp khoảng 49,5%, còn lại là vốn của nhà đầu tư.
Công trình dự kiến khởi công vào năm 2025 và hoàn thành năm 2028. Thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án 18 năm 8 tháng.
Về phương án thiết kế, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có chiều dài toàn tuyến khoảng 2,16km, trong đó phần cầu dài hơn 1,6km. Đặc biệt, cầu có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45m giúp các tàu lớn như tàu khách quốc tế lưu thông trên sông Sài Gòn để vào trung tâm thành phố.
Cầu Thủ Thiêm 4 sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với quận 7 nói riêng và cả khu vực phía Đông Tp.HCM với phía Nam thành phố nói chung. Dự án sẽ giải quyết tình trạng quá tải của các tuyến đường hiện hữu bên phía quận 7, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các đô thị hai bờ sông Sài Gòn.
Trong khi đó , cầu Cần Giờ được đề xuất có tổng chiều dài dự kiến toàn tuyến khoảng 7km, trong đó cầu Cần Giờ dài khoảng 3km, còn lại là phần đường dẫn.
Điểm đầu dự án nằm trên đường 15B theo quy hoạch, cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía bắc; điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại lý trình Km2+100 trên đường Rừng Sác (cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,1 km về phía nam).
Dự án có quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp), vận tốc thiết kế 60 km/giờ. Sở GTVT dự kiến bố trí 1 trạm thu phí tự động tại khoảng Km4+400 trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ sẽ trở thành cầu dây văng lớn nhất của Tp.HCM, xếp trên hai cầu Phú Mỹ (nối Tp.Thủ Đức với quận 7) và cầu Bình Khánh (nằm trên tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành).
Tổng vốn đầu tư của dự án cầu Cần Giờ khoảng 11.087 tỉ đồng, trong đó nguồn ngân sách thành phố khoảng 5.246 tỉ đồng và vốn BOT của nhà đầu tư khoảng 5.323 tỉ đồng.
Cầu Cần Giờ là dự án hạ tầng có ý nghĩa lớn kết nối trung tâm TP.HCM với huyện đảo duy nhất của thành phố. Hiện nay, để di chuyển từ khu vực trung tâm thành phố đến Cần Giờ chủ yếu qua phà Bình Khánh đã quá tải và mất rất nhiều thời gian.
Ngoài 2 dự án cầu Thủ Thiêm 4 và Cần Giờ, danh sách 10 dự án sắp được trình HĐND còn có một số dự án khác như: Dự án nâng cấp mở rộng đường Vĩnh Lộc (đoạn từ đường Trần Văn Giàu đến đường số 2A- Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) tổng mức đầu tư 4.344 tỉ đồng; mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp, TP.Thủ Đức (mức đầu tư 868 tỉ đồng); Dự án xây dựng kè Thanh Đa, quận Bình Thạnh hơn 868 tỉ đồng.