Trái với nhận định về giá dầu thô có thể lên 100 USD/thùng sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel, ngày 15-4, giá dầu Brent và dầu WTI cùng giảm nhẹ về quanh ngưỡng 89,64 USD/thùng và 84,70 USD/thùng.
Thế giới thận trọng
Tuy vậy, ông Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao của Công ty về năng lượng Rystad Energy (Na Uy), nhận định thị trường dầu thô đang chuẩn bị phản ứng trước kế hoạch đáp trả của chính phủ Israel đối với cuộc tấn công từ Iran. Ông cảnh báo trong trường hợp xấu nhất, đòn trả đũa mạnh mẽ từ Israel có thể dẫn đến một cuộc xung đột khu vực chưa từng có, khiến chi phí bảo hiểm địa chính trị tăng đáng kể.
Theo ông Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Công ty Đầu tư ING (Hà Lan), hiện vẫn còn nhiều điều không chắc chắn và diễn biến thị trường còn phụ thuộc vào cách Israel phản ứng.
Iran hiện sản xuất hơn 3 triệu thùng dầu thô/ngày với tư cách là nhà sản xuất chính trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), do đó rủi ro về nguồn cung bao gồm các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt và phản ứng của Israel có thể tác động đến giá dầu.
Các nhà phân tích tại Công ty ANZ Research lập luận giá dầu chưa thể phản ứng ngay lập tức do công suất dự phòng dồi dào và phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị vốn đã tăng cao. Còn các nhà phân tích tại Citi Research cho biết nếu căng thẳng kéo dài suốt quý II năm nay sẽ khiến giá dầu phần lớn duy trì ở mức 85-90 USD/thùng nhưng giá dầu có thể lên tới hơn 100 USD/thùng nếu diễn biến tiếp tục leo thang.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đã lao dốc hôm 15-4 khi giới đầu tư cân nhắc tác động của các cuộc tấn công, đồng thời chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trọng từ Trung Quốc và Nhật Bản vào cuối tuần này.
Cảm giác lo lắng bao trùm thị trường khiến chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1%, chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm gần 0,5% và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 0,63%.
Các thị trường Singapore, Seoul (Hàn Quốc), Manila (Philippines) đều mất ít nhất 1%. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney và Wellington.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán châu Âu lại tăng điểm trong phiên giao dịch hôm 15-4 sau khi cuộc tấn công không gây ra thiệt hại đáng kể từ Iran. Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ cũng đi lên.
Chứng khoán Việt Nam bị bán tháo
Trong khi giới tài chính thế giới thận trọng chờ diễn biến mới về xung đột ở Trung Đông thì thị trường tài chính Việt Nam lại ghi nhận một ngày biến động dữ dội.
Theo đó, thị trường chứng khoán giằng co với biên độ hẹp trong phần lớn thời gian giao dịch rồi bất ngờ đổ sập trong khoảng 30 phút cuối phiên. Áp lực bán tháo ồ ạt khiến cả thị trường chìm trong sắc đỏ, hàng trăm mã cổ phiếu lớn nhỏ giảm hết biên độ từ 7%-10%.
Kết phiên 15-4, VN-Index giảm tới 59,99 điểm (-4,7%), còn 1.216,61 điểm; HNX giảm 11,63 điểm (-4,81%) còn 229,71 điểm; Upcom cũng mất 2,23 điểm (2,24%) còn 88,98 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất của các chỉ số trong 2 năm trở lại đây và rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng.
Thanh khoản tăng mạnh với hơn 1,69 tỉ cổ phiếu được giao dịch trên cả 3 sàn, tổng giá trị hơn 38.218 tỉ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng lượng cổ phiếu trị giá 1.238 tỉ đồng tại sàn HoSE, tập trung vào các mã VHM, CTG, SSI, VCB...
Sau phiên giao dịch, rất nhiều nhà đầu tư hoang mang chưa hiểu có thông tin gì đặc biệt khiến thị trường bất ngờ lao dốc mạnh vào cuối phiên. Bởi trước đó, nhiều mã cổ phiếu còn tăng giảm đan xen, nhân viên môi giới ở các công ty chứng khoán vẫn còn tư vấn nhà đầu tư mua vào những mã có điều chỉnh nhẹ.
Ông Võ Kim Phụng, Phó Phòng phân tích, Công ty Chứng khoán BETA, nhận định ngoài thông tin về xung đột leo thang ở Trung Đông thì có 2 nguyên nhân tạo áp lực lên thị trường gồm tỉ giá và lực bán của khối ngoại.
Về tỉ giá, lạm phát tại Mỹ tháng 3 cao hơn kỳ vọng, làm giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ kéo dài thời gian hạ lãi suất hơn dự kiến. Điều này cũng tác động đến hành động của khối ngoại, khi xu hướng bán ròng của nhóm này kéo dài năm ngoái đền nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo thống kê của chuyên gia BETA, riêng trên HoSE, khối ngoại đã bán ròng gần 50.000 tỉ đồng trong thời gian này. "Nếu so sánh với các thị trường chứng khoán khác trên thế giới, có lẽ chứng khoán Việt Nam đang rơi mạnh nhất. Vì thế, yếu tố địa chính trị có thể không phải nguyên nhân chính" - ông Phụng nói.
Tỉ giá tiếp tục "nóng bỏng"
Tỉ giá trung tâm ngày 15-4 được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.096 đồng/USD, tăng mạnh 14 đồng so với cuối tuần. Nếu tính từ đầu tháng 4 đến nay, tỉ giá trung tâm đã tăng gần 100 đồng (+0,41%).
Giá USD trong các ngân hàng cũng lập mốc cao mới khi Vietcombank niêm yết giá USD mua vào 24.960 đồng, bán ra 25.300 đồng/USD, tăng mạnh 120 đồng/USD so với cuối tuần trước. Giá USD trong ngân hàng liên tục đi lên những ngày qua, trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế cũng tăng vượt mốc 105 điểm. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, giá USD ngân hàng đã tăng hơn 300 đồng so với trước đó.