ĐHĐCĐ thường niên 2025 của CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) diễn ra vào sáng ngày 26/4. Ban kiểm tra tư cách cổ đông cho biết đại hội có sự tham dự của 216 cổ đông (trực tiếp và ủy quyền), đại diện sở hữu gần 226 triệu cổ phần, tương đương 58,57% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
"Chúng ta đang đối diện với thế giới đầy bất ổn"
Theo đánh giá của Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang, 2024 là nămthị trường có nhiều thách thức, chính sách thay đổi nhiều nhất, đồng thời là năm của năm đáo hạn trái phiếu bất động sản. Năm 2024 cũng là năm bản lề thay đổi cách tìm cận quỹ đất thông qua thay đổi chính sách nhưng đây cũng là cơ hội. Công ty đang tìm hiểu và mở rộng quỹ đất ở một số khu vực kinh tế trọng điểm, vùng phát triển TP HCM.
Năm vừa rồi, Nam Long đã giải quyết được pháp lý ở rất nhiều dự án như Cần Thơ, Paragon, Izumi… Tất nhiên doanh số chưa được như ý do điều kiện thị trường, việc triển khai bán hàng chậm so với kế hoạch.
Điểm quan trọng nhất trong năm qua là Nam Long đã giữ được các chỉ số an toàn, tỷ lệ nợ trên vốn dưới 0,5 lần. Nam Long khởi đầu tư công ty xây dựng, sau đó trở thành doanh nghiệp phát triển bất động sản và bất động sản tích hợp.
Nếu như trong giai đoạn 2021 – 2024, Nam Long theo đuổi chiến lược chủ đầu tư bất động sản nhà ở vừa túi tiền và chủ đầu tư khu đô thị tích hợp thì trong giai đoạn 2025 – 2027, Nam Long phát triển mô hình đô thị tích hợp với 3 trụ cột chính: Nam Long ADC là đơn vị đầu tư bất động sản nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội (Ehome, EhomeS); Nam Long Land là đơn vị đầu tư khu đô thị tích hợp; Nam Long Commerical Property là đơn vị phát triển tiện ích, hệ sinh thái.
“Bước sang năm 2025, chúng ta đang đối diện với thế giới đầy bất ổn, vừa rồi là các thông tin thuế quan đối ứng của Mỹ. Chúng ta phải ứng xử và phát triển phù hợp trong hoàn cảnh ấy. Điểm đầu tiên có thấy được là nhu cầu nhà ở tại quốc gia hơn 100 triệu dân còn rất lớn, tất nhiên vẫn còn nhiều khó khăn về pháp lý. Các đối tác của Nam Long như Nishi-Nippon Railroad (NNR), Hankyu Hanshin Properties vẫn đánh giá rất cao về tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam”, Chủ tịch Nam Long cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: Nguyên Ngọc).
Doanh số bán hàng 2024 thực hiện được 54% kế hoạch
Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng Giám đốc, cho biết kết quả doanh số bán hàng của công ty đạt 5.155 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2023 nhưng chỉ đạt 54% kế hoạch, chủ yếu nhờ vào các đợt mở bán mới của Nam Long II Central Lake Cần Thơ.
Công ty đã bàn giao 2.247 sản phẩm với tổng giá trị khoảng 7.870 tỷ đồng, trong đó bàn giao vượt kế hoạch tại dự án Akari giai đoạn 2. Doanh thu bàn giao đạt 7.870 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, vượt 17% kế hoạch.
Kết quả kinh doanh hợp nhất ghi nhận doanh thu 7.196 tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch, chủ yếu đóng góp từ việc bàn giao các dự án Akari, Cần Thơ 43 ha, Ehome Southgate... Phân khúc căn hộ (Flora) chiếm tỷ trọng lớn nhất với 85% trong cơ cấu doanh thu. Lãi ròng ghi nhận 518 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch. Việc chi trả cổ tức bằng tiền năm 2024 với tỷ lệ 5% (192 tỷ đồng) sẽ được thanh toán sau trong quý II/2025.
Đánh giá về thị trường 2025, ông cho rằng có nhiều thách thức đan xen cơ hội. Thách thức ở đây bao gồm tình trạng lệch pha cung cầu tại các phân khúc bất động sản khác nhau; căng thẳng địa chính trị kéo dài, rủi ro thuế quan từ Mỹ có thể dẫn đến chính sách và tình hình kinh tế khó lường; việc sáp nhập bộ ban ngành, địa phương có thể ảnh hưởng đến các thủ tục hồ sơ, quá trình phê duyệt…
Song, thị trường có động lực phát triển từ nhu cầu ở thực và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống; đầu tư công được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng phát triển; Ngân hàng Nhà nước có xu hướng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế, với lãi suất ở mức thấp; các nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ, chính quyền ưu tiền đẩy nhanh quy trình phê duyệt…
Mục tiêu doanh số bán hàng vượt 14.600 tỷ, 4 tháng đạt 2.560 tỷ

(Nguồn: NLG).
Mục tiêu của Nam Long trong giai đoạn 2025 - 2027, doanh số bán hàng đạt 71.237 tỷ đồng và lãi sau thuế ba năm này là 2.629 tỷ đồng, lần lượt gấp 3,7 lần về doanh số và gấp 1,2 lần lợi nhuận giai đoạn 2021 - 2023.
Riêng trong năm 2025, doanh số bán hàng kỳ vọng đạt 14.645 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các dự án: Southgate, Izumi, Cần Thơ 43 ha và Paragon. Doanh thu bàn giao kỳ vọng ở mức 6.317 tỷ đồng, từ các dự án Akari, Cần Thơ 43 ha, EhomeS Cần Thơ, Southgate, Izumi City và Ehome Southgate.
Mục tiêu của Nam Long là đạt 6.794 tỷ đồng doanh thu và 701 tỷ đồng lãi ròng. Trong đó, doanh thu trong năm được đóng góp từ bàn giao dự án (Akari, Cần Thơ 43ha, EhomeS Cần Thơ, Southgate, Izumi City và Ehome Southgate); cung cấp dịch vụ quản lý dự án và bán hàng cho các công ty liên doanh, liên kết; bán các tài sản thương mại tại các dự án.
Từ đầu năm đến ngày 21/4, doanh số bán hàng đạt gần 2.560 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, tương đương 17,5% kế hoạch. Kết quả kinh doanh quý I ghi nhận1.291 tỷ đồng doanh thu và hơn 108 tỷ đồng lãi ròng, cải thiện đáng kể so với doanh thu 205 tỷ đồng và lỗ ròng 77 tỷ đồng trong quý đầu năm ngoái. Với kết quả này, Nam Long thực hiện được 19% kế hoạch doanh thu và 15% kế hoạch lợi nhuận năm.

Southgate (thuộc Khu đô thịWaterpoint 355 ha ở Bến Lức, Long An) đóng góp tỷ trọng lớn trong doanh số bán hàng của Nam Long trong 4 tháng đầu năm. (Nguồn: Central).
Ra mắt sản phẩm mới tại 4 dự án trong năm 2025
Trong năm nay, Nam Long sẽ ra mắt sản phẩm mới tại các dự án Waterpoint, Izumi City, Paragon và Cần Thơ; mở rộng ra thị trường phía Bắc và ra mắt dòng sản phẩm thấp tầng giá trị cao.
Cụ thể, tại TP HCM, công ty sẽ đẩy nhanh các thủ tục pháp lý để mở bán sản phẩm thấp tầng tại dự án Mizuki và hoàn thiện pháp lý để sớm đưa sản phẩm cao tầng tại các dự án Mizuki, Akari ra thị trường.
Tại Long An, HĐQT đánh giá thị trường có tín hiệu tích cực do sự quan tâm ngày càng tăng của các chủ đầu tư trong việc mở rộng thị trường đến Long An. Công ty sẽ đẩy nhanh bán hàng sản phẩm thấp tầng tại Southgate và sớm đưa thêm sản phẩm cao tầng tại Waterpoint giai đoạn 1 ra thị trường.
Đối với thị trường Đồng Nai, thị trường cho thấy dấu hiệu tích cực khi các vấn đề pháp lý dần được giải quyết. Nam Long sẽ tranh thủ cơ hội khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi để đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, ra mắt sản phẩm thấp tầng tại Izumi (giai đoạn 3) và Paragon (giai đoạn 1, 2) trong khi giữ nguyên quy hoạch ban đầu.
Do nguồn cung còn hạn chế, nhu cầu thị trường đối với phân khúc căn hộ cao tầng có nhiều tiềm năng nên Nam Long sẽ nghiên cứu nhu cầu về phân khúc sản phẩm Flora, Premium ở các phân khu cao tầng trong dự án Izumi.
Ngoài ra, Nam Long có kế hoạch mua quỹ đất mới tại Long An và Đồng Nai để phát triển cả sản phẩm thấp tầng và cao tầng. Riêng tại TP HCM, ban điều hành cho rằng việc mua quỹ đất mới để phát triển sản phẩm thấp tầng sẽ gặp nhiều thách thức. Công ty sẽ tập trung vào các dự án cao tầng có pháp lý rõ ràng, có thể sẵn sàng triển khai.

Danh mục dự án của Nam Long. (Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).
Lộ trình huy động 2.500 tỷ từ phát hành cổ phiếu
Theo phương án do HĐQT trình bày tại đại hội, Nam Long có kế hoạch phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 25.000 đồng/cp, tương đương tổng nguồn vốn có thể huy động trên 2.500 tỷ đồng.
Mục đích sử dụng vốn gồm: (1) Đầu tư vào Nam Long Land và Nam Long Commercial; (2) đầu tư vào các dự án hiện hữu của công ty và (3) trả nợ vay.


Lộ trình phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu. (Nguồn: NLG).
Trong trường hợp phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2025 thành công với tổng số tiền dự kiến thu về là 2.503 tỷ đồng, công ty sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% (gần 243 tỷ đồng). Cổ tức sẽ được thanh toán sau ĐHĐCĐ thường niên 2026. Phần lợi nhuận giữ lại sau khi trích lập các quỹ trong 2025 trên 463 tỷ đồng.