Công nghệ

Cơ hội để ngành KH&CN thay đổi cách làm, dùng công nghệ nhiều hơn

Tóm tắt:
  • Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tăng năng suất lao động và quản trị xã hội.
  • Ngành KH&CN tập trung đổi mới công cụ, thúc đẩy chuyển đổi số và đột phá sáng tạo.
  • Công việc năm 2025 rất nặng, đặc biệt về xây dựng thể chế và luật pháp.
  • Khuyến khích sử dụng trợ lý ảo và hệ thống tự động hóa, giảm tải công việc.
  • Đề cao tinh thần đổi mới, cần nhanh chóng chuyển ý kiến và cập nhật tiến độ hàng tuần.

Hai trọng tâm hoạt động của ngành KH&CN

Chiều 25/4, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 4 của Bộ. Cùng dự có các Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Phạm Đức Long, Bùi Hoàng Phương, Lê Xuân Định và Hoàng Minh.

W-giao ban quan ly nha nuoc Bo KH&CN thang 4 1.jpg
Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 4/2025 của Bộ KH&CN tiếp tục được tổ chức theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phổ biến lại cho lãnh đạo cấp trưởng, phó các cơ quan, đơn vị trong Bộ KH&CN về một số nhắc nhở của Tổng Bí thư Tô Lâm với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy như: Đất nước là quê hương, bộ máy gọn lại nhưng không gian rộng hơn, tinh gọn phải tạo động lực và hình thành hệ sinh thái hỗ trợ nhau, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận xét: Bộ KH&CN là một bộ tinh gọn rất hợp lý, phù hợp.

Bởi lẽ, với Bộ KH&CN mới, bộ 3 khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) được gắn kết, đan cài với nhau tạo ra sự cộng lực. Thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nhiều lần phân tích về 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, cũng như mối quan hệ gắn kết chặt chẽ của bộ 3 này.

Nhấn mạnh ĐMST hợp với KHCN và khi chúng nằm trong bối cảnh CĐS sẽ tạo ra sự cộng lực, người đứng đầu ngành KH&CN chỉ rõ: Bộ 3 KHCN, ĐMST và CĐS đi với nhau thành một hệ sinh thái rất tốt.

Đặc biệt, KHCN và ĐMST phải được đặt trong bối cảnh chuyển đổi số, trên môi trường số. Đây là “mảnh đất” để KHCN và ĐMST phát triển nhanh và hiệu quả hơn; làm KHCN, ĐMST cũng là để thúc đẩy CĐS.

W-giao ban quan ly nha nuoc Bo KH&CN thang 4 .jpg
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Kỷ nguyên mới là kỷ nguyên của những ĐMST mang tính đột phá. Ảnh: Lê Anh Dũng

Dẫn lại nhận xét của Tổng Bí thư Tô Lâm ví ĐMST là “cây gậy thần” giúp đạt đến thịnh vượng bền vững, người đứng đầu ngành KH&CN khẳng định: Kỷ nguyên mới là kỷ nguyên của những ĐMST mang tính đột phá.

Ngành KH&CN cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của ĐMST trong giai đoạn hiện nay, khi xác định ĐMST phải đóng góp 3% GDP, gấp 3 lần tỷ lệ đóng góp cho GDP của KHCN. ĐMST cũng chính là tinh thần mới nhất của Luật KHCN và ĐMST, 1 trong 5 luật đang được Bộ KH&CN chủ trì soạn thảo.

“Với Bộ KH&CN, ngoài chuyện bộ 3 KHCN, ĐMST và CĐS đan vào nhau, việc bố trí chỗ ngồi của các đơn vị và sắp xếp nhân sự cũng nên đan vào nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành KH&CN chỉ đạo trưởng, phó các đơn vị của Bộ phải nhớ trọng tâm đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc, đó là tăng năng suất lao động, bản chất là tăng GDP và giúp quản trị quốc gia, quản trị xã hội hiện đại. Đồng thời, cũng lưu ý thêm về những yêu cầu với đội ngũ cán bộ là bên cạnh năng lực, cần có sự nhiệt huyết và thái độ làm việc tốt.

Kể lại việc gặp gỡ và lắng nghe căn dặn của lãnh đạo ngành qua các thời kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong rằng đội ngũ cán bộ chủ chốt của Bộ coi những ý kiến tâm huyết này là kim chỉ nam trong hoạt động thời gian tới, đó là: Hãy tập trung ĐMST, coi ĐMST là phong cách sống của từng người dân, từng tổ chức; phát triển KHCN phải dựa vào doanh nghiệp; làm gì cũng phải chú ý mục tiêu cuối cùng là phát triển đất nước; phải đẩy nhanh tốc độ đổi mới, và chu kỳ đổi mới ngành là 10 năm một lần...

Việc nhiều, tải nặng là cơ hội thay đổi công cụ và cách làm

Trao đổi của lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị tại hội nghị giao ban đều chỉ ra rằng, mặc dù các đơn vị đều đã rất hối hả, tích cực triển khai song tải công việc cần thực hiện trong năm 2025 vẫn còn rất nặng, đặc biệt về công tác xây dựng thể chế.

Thống kê của Văn phòng Bộ cho thấy, từ ngày 26/4 đến 31/4, tổng số nhiệm vụ trọng tâm Bộ KH&CN cần hoàn hoàn thành là 62. Đặc biệt, trong tháng 5, 5 dự án luật kèm các nghị định hướng dẫn phải được Bộ KH&CN hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua. Thời hạn các đơn vị cần nộp 5 dự thảo luật cùng nghị định hướng dẫn là ngày 30/4.

W-giao ban quan ly nha nuoc Bo KH&CN thang 4 3.jpg
Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, bà Hoàng Thị Phương Lựu, thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong tháng 4 và những việc cần tập trung trong tháng 5/2025. Ảnh: Lê Anh Dũng

Liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia, theo Cục Chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, chỉ riêng trong quý 2/2025, Bộ KH&CN cần hoàn thành 51 nhiệm vụ, trong đó có 4 nhiệm vụ của tháng 4, 20 nhiệm vụ tháng 5 và 27 nhiệm vụ tháng 6.

Nhấn mạnh khối lượng công việc của năm 2025 còn rất nhiều và nặng nhất là xây dựng 5 luật cùng các nghị định hướng dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ: “Mong muốn lớn nhất của tôi là nhân cơ hội việc nhiều, tải nặng như hiện nay, anh em trong Bộ thay đổi cách làm việc, công cụ làm việc. Đây là cơ hội tốt để chúng ta thay đổi”.

Bên cạnh việc khuyến nghị các cán bộ, nhân viên trong Bộ tích cực sử dụng trợ lý ảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ đạo Trung tâm CNTT nhanh chóng có các ứng dụng, hệ thống phần mềm hỗ trợ để anh em đỡ vất vả, đơn cử như nền tảng tự động hóa báo cáo; công cụ hỗ trợ bóc băng, tóm tắt, tổng hợp các ý kiến...

Cùng với việc trực tiếp trải nghiệm để kiểm tra và hướng dẫn việc xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công việc, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ các đơn vị tháo gỡ khó khăn cũng là phần việc được người đứng đầu ngành KH&CN dành nhiều thời gian tại hội nghị giao ban tháng 4/2025.

Với trợ lý ảo, Cục Chuyển đổi số quốc gia được yêu cầu khẩn trương phối hợp với đối tác công nghệ để xây dựng, triển khai tại đơn vị và làm cơ sở để lãnh đạo Bộ xem xét mở rộng áp dụng ở các đơn vị khác, hỗ trợ giảm tải cho đội ngũ nhân sự trong Bộ.

W-giao ban quan ly nha nuoc Bo KH&CN thang 4 2.jpg
Qua việc dùng thử trợ lý ảo phục vụ công việc đang được Cục Chuyển đổi số quốc gia cùng đối tác công nghệ xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hướng dẫn cần thiết kế giao diện hệ thống với 3 mục chính gồm các quy trình làm việc, cẩm nang tri thức, trợ lý ảo. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước đề xuất của lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Quốc gia với việc phân cấp về kinh phí chi thường xuyên và hợp tác quốc tế, người đứng đầu ngành KH&CN khẳng định: Quan điểm là phân cấp mạnh mẽ; song phải có hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và cách giám sát hiệu quả nhất là bằng nền tảng số.

Chỉ cách để đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, người đứng đầu ngành KH&CN nhắc lại cách làm đã được áp dụng tại Bộ TT&TT trước đây: Mỗi  việc chỉ có từ 1-2 điểm cốt lõi nên đầu tiên đơn vị cần nhanh chóng xin định hướng của Bộ trưởng về những nội dung này, sau đó mới mang về làm có sự hỗ trợ của trợ lý ảo.

“Những việc mới, khó, cần đến quan điểm và cách tiếp cận, lãnh đạo đơn vị cần nhanh chóng chuyển lên xin ý kiến Bộ trưởng để công việc được đẩy nhanh và trở nên dễ hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu.

Người đứng đầu ngành KH&CN cũng yêu cầu thống nhất quy định lãnh đạo các đơn vị trong Bộ phải quản lý theo tuần, mỗi nhiệm vụ được giao đều phải được phân rã thành các việc nhỏ hơn, gửi kế hoạch về Văn phòng Bộ và hằng tuần cập nhật tiến độ thực hiện trên hệ thống phần mềm.

Riêng về công tác xây dựng thể chế, các thứ trưởng phụ trách được lưu ý rà soát kỹ các dự án luật; chỉ đạo đơn vị chủ trì chủ động họp xin ý kiến Bộ trưởng cũng như họp với đơn vị, doanh nghiệp còn ý kiến khác, chưa thống nhất. Đồng thời, cần đặc biệt lưu ý để luật, nghị định được viết với ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, đơn nghĩa, và mang ra làm được.

Các tin khác

Hệ tiêu hóa ảnh hưởng đề kháng thế nào?

TS.BS Phạm Lê Duy, Giảng viên bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hệ tiêu hóa khỏe góp phần xây dựng hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus cúm.

Tin xem nhiều