Ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani (Thái Lan), chia sẻ người Việt Nam tại Thái Lan luôn dõi theo tình hình và vui mừng trước những dấu hiệu đổi thay tích cực của đất nước từng ngày, từng giờ.
Ông Hòa hiện là Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani. Ông cũng là người khởi xướng và xây dựng thành công Phố Việt Nam (Vietnam Town) đầu tiên tại Udon Thani.
Ông cho hay cộng đồng Việt tại tỉnh này có khoảng 15.000 người, chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh, có địa vị pháp lý ổn định và đã hội nhập sâu vào xã hội Thái Lan. Các khu chợ Việt nhộn nhịp không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc mà còn là cầu nối văn hóa giữa Việt kiều và người dân sở tại. Bà con thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng về quê hương như ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, chương trình Trái tim cho em…
Ông Hòa cho biết hiện Udon Thani có 8 lớp học tiếng Việt, và ông mong muốn tiếp tục bảo tồn các ngôi chùa Việt, lưu giữ gia phả các dòng họ kiều bào từ đầu thế kỷ 20. Ông mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các cấp trong nước để cộng đồng người Việt tại Thái Lan gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp. "Dù ở đâu, chúng tôi luôn sẵn sàng hướng về quê hương, đất nước", ông khẳng định.
Trong khi đó, bà Huỳnh Ngươn Trực (Jeanne Huynh), kiều bào Pháp, là Chủ tịch Hội hưu trí và tình nguyện Việt Nam tại Pháp (AREBCO) - một tổ chức từ thiện ra đời năm 1994. Gắn bó với AREBCO từ những ngày đầu, bà Trực đã cùng hội tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo; tài trợ cho các trường học; hỗ trợ nông dân nghèo vùng sâu, vùng xa và cứu trợ người dân vùng thiên tai. Trung bình mỗi năm, AREBCO cấp học bổng trị giá 15.000 euro cho hơn 100 em thuộc 3 trường tiểu học và 5 trường ĐH tại Việt Nam.
"Tôi xa quê hơn 70 năm, giờ về định cư ở Việt Nam đã được 9 tháng. Không ngờ hôm nay lại được biểu dương, tôi rất vinh dự và xúc động. Nhớ lại lần đầu trở lại Việt Nam năm 1992, tôi thấy người dân sống trong những mái nhà lá đơn sơ, giờ thì nhà cửa khang trang, cuộc sống thay đổi rất nhiều. Nhiều em từng nhận học bổng của hội nay đã thành đạt, có người làm trong ngành y, công nghệ thông tin, kinh doanh bánh, thậm chí lập nghiệp ở Mỹ, Nhật Bản. Điều đó khiến tôi càng muốn góp sức nhiều hơn nữa cho quê hương", bà Trực nói.
Còn bà Trần Tuệ Tri, kiều bào tại Singapore - đồng sáng lập và cố vấn cấp cao của Vietnam Brand Purpose, cho biết không chỉ riêng bà mà nhiều người Việt Nam ở nước ngoài luôn mong muốn đóng góp cho các sáng kiến về thương hiệu quốc gia, giáo dục khai phóng, chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo. Bà tin rằng cộng đồng kiều bào là một phần quan trọng trong việc lan tỏa hình ảnh TP.HCM ra thế giới, đặc biệt khi thành phố đang đứng trước cơ hội trở thành "Mega City" - một siêu đô thị trung tâm về kinh tế, đổi mới sáng tạo, thương mại và dịch vụ của khu vực và châu Á.
Bà Trần Tuệ Tri bày tỏ mong muốn TP.HCM sẽ tiếp tục là cầu nối tin cậy, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối tri thức và nguồn lực toàn cầu của người Việt ở khắp nơi. Với tinh thần đoàn kết, tầm nhìn chiến lược và sự nỗ lực không ngừng, bà tin TP.HCM sẽ là đầu tàu đưa thương hiệu Việt vươn cao trên bản đồ thế giới.
PGS-TS Bùi Quốc Bảo, giảng viên ngành kỹ thuật - xây dựng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chia sẻ sau nhiều năm học tập và giảng dạy tại Pháp, ông đã trở về Việt Nam làm việc với mong muốn đóng góp cho quê hương. Hiện là giảng viên tại TP.HCM, ông tham gia đào tạo từ bậc ĐH đến sau ĐH, thực hiện các dự án nghiên cứu và kết nối với đối tác quốc tế nhằm đưa tri thức, công nghệ tiên tiến về phục vụ đất nước. Ông kỳ vọng Nhà nước sẽ có thêm những chính sách cởi mở, tạo điều kiện để người Việt ở nước ngoài trở về đóng góp, mạnh dạn trao cơ hội cho những trí thức có năng lực đảm nhiệm các vị trí quan trọng, không quá đặt nặng lý lịch hay quá khứ.
"Với sự đoàn kết, trí tuệ và lòng yêu nước, đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài sẽ tiếp tục là chiếc cầu nối tri thức, là nguồn lực quý báu đồng hành cùng TP.HCM và đất nước trên hành trình đổi mới và hội nhập", TS Bảo khẳng định.